Hạ tầng

Quảng Trị: Cầu, đường vượt lũ dở dang vì “đói vốn”

28/12/2015, 21:33

Hơn ba năm nay, nhiều đoạn đường cứu hộ, cầu vượt lũ xây dựng dở dang gây lãng phí, bức xúc cho người dân...

9

Hiện trạng đường cứu hộ, cầu vượt lũ ngổn ngang, lãng phí và “hành dân” - Ảnh: Duy Lợi

Hơn ba năm nay, nhiều đoạn đường cứu hộ, cầu vượt lũ dọc hai bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị) do Ban QLDA đầu tư xây dựng (Sở NN&PTNT Quảng Trị) nâng cấp, xây dựng dở dang gây lãng phí, bức xúc cho người dân...

Cầu, đường... "hành dân"

Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường cứu hộ, cứu nạn, kè chống xói lở, lụt bão và phát triển kinh tế dọc hai bên bờ sông Thạch Hãn, đoạn từ thượng lưu cầu Thạch Hãn đến đập Trấm đã được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt năm 2010, tổng mức đầu tư hơn 683 tỷ đồng, giao cho Ban QLDA Đầu tư xây dựng (Sở NN&PTNT Quảng Trị) làm chủ đầu tư trực tiếp. Ngày dự án khởi công, người dân vui mừng, kỳ vọng bao nhiêu, nhưng đến nay sau 5 năm triển khai, hàng loạt cây cầu vượt lũ và đường cứu hộ này vẫn ngổn ngang, dang dở.

Ghi nhận PV Báo Giao thông tại hiện trường, đoạn đường cứu hộ toàn tuyến dài gần chục km sót lại dấu hiệu thi công chắp vá, đứt đoạn. Nhiều đoạn đổ bê tông xen kẽ với đường nguyên bản, hay chỉ triển khai một nửa mặt đường bê tông xi măng, vênh mặt đường cũ… Đáng kể, đoạn từ thượng lưu cầu Thạch Hãn lên cây cầu vượt lũ đầu tiên vẫn vẹn nguyên đất đá lầy lội; khu vực Trường Tiểu học và THCS Triệu Thượng trong cảnh đường “đứt đoạn” khiến học sinh đi lại rất khó khăn.

Từ tháng 5/2015, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã có báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, trong đó cũng nêu rõ cử tri phường An Đôn (TX Quảng Trị) phản ánh tuyến đường cứu hộ từ phường An Đôn đến thôn Thượng Phước (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong) xuống cấp trầm trọng, kiến nghị có các giải pháp cụ thể. Nhưng đến nay, thực trạng của tuyến đường vẫn không có gì thay đổi.

“Chẳng biết họ có làm nữa không nhưng máy móc rút hết từ lâu rồi. Phương tiện muốn đi lại phải “đánh võng” qua ổ gà, ổ voi nham nhở, trơn trượt, thiếu biển cảnh báo giao thông…”, ông Hùng, người dân thôn Tân Xuân (Triệu Thượng) ngán ngẩm.

Theo phản ánh của các hộ dân, tình trạng đường thi công rồi bỏ dở không chỉ gây lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT. Nhiều vụ TNGT, trượt ngã đã diễn ra.

Không riêng đường cứu hộ, 6 cây cầu vượt lũ thuộc dự án này cũng thi công dở dang rồi “bỏ mặc”, trơ gan cùng mưa nắng hơn ba năm nay: hai mố cây cầu vượt lũ (đoạn qua thôn Thượng Phước) trơ sắt hoen gỉ, cây cầu vượt lũ đầu tiên cũng chỉ có một thanh dầm bê tông nằm “chầu rìa” đang chờ được lao lắp vào khoảng trống của ba nhịp cầu dang dở, một số cầu vượt lũ khác đã lao lắp dầm nhưng chưa thể hoàn thiện… “Nhìn những cây cầu họ làm dở dang rồi để đó, thấy lãng phí mà xót xa lắm”, bà Trần Thị Anh (70 tuổi, thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng) nói.

Cử tri P. An Đôn (TX Quảng Trị) đã nhiều lần kiến nghị tuyến đường cứu hộ từ phường An Đôn đến thôn Thượng Phước (xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong) xuống cấp trầm trọng, tiến độ triển khai quá chậm, một số đoạn thi công làm tắc đường dẫn nước tưới ra đồng ruộng khiến người dân không sản xuất được. Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm, bố trí kinh phí để hoàn thành đoạn đường này. Tuy nhiên, công trình chậm vẫn hoàn chậm.

“Điệp khúc đói vốn", né tránh đùn đẩy

Theo ông Nguyễn Đức Vọng, Chủ tịch UBND xã Triệu Thượng, công trình triển khai từ năm 2011 nhưng sau đó “đứng bánh” vì thiếu vốn khiến nhà thầu, trong đó nhà thầu tại địa phương thi công cầu cũng đang “ôm” nợ... Lãnh đạo các địa phương vùng dự án cho rằng, ngoài nguyên nhân vốn, cách thi công dự án cũng “có vấn đề”; công tác tổ chức, quản lý thi công chưa bài bản, triển khai dự án dàn trải nên khi công trình dở dang, tác động tiêu cực đến cuộc sống đi lại của người dân.

Đi tìm câu trả lời, PV Báo Giao thông đến trụ sở Sở NN & PTNT tỉnh Quảng Trị. Cán bộ Văn phòng Sở hướng dẫn đến trụ sở Ban QLDA Đầu tư xây dựng của Sở để “làm việc”. Tuy nhiên, trực tiếp đến gặp ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng, ông Hiếu lại viện dẫn lý do: “Sở có quy chế phát ngôn của Sở nên Sở phải có ý kiến vào đấy, ủy nhiệm cho tôi, tôi mới làm việc được”.

Khi PV gọi điện cho ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị và đưa máy cho ông Hiếu gặp ông Hưng, nhưng ông Hiếu tỏ ra khó chịu, không cung cấp cả thông tin chung về dự án. “Cái này mấy năm nay không có vốn chứ có gì đâu. Nói chung là không có tiền”, ông Hiếu nói nhát gừng. Về các giải pháp xử lý, khắc phục, lãnh đạo Ban này không đưa ra thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.