Phân luồng phương tiện trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn được tính toán kỹ lưỡng, trên cơ sở khoa học
Sáng nay (22/4), tại buổi làm việc với Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị, lãnh đạo Cục Đường bộ VN, các đơn vị chức năng trực tiếp giải trình, giải đáp kiến nghị, đề xuất của ngành chức năng tỉnh Quảng Trị liên quan công tác phân luồng giao thông cao tốc Cam Lộ - La Sơn.
Theo đó từ ngày 4/4, Cục Đường bộ VN quyết định tổ chức phân luồng điều tiết xe ô tô khách trên 30 chỗ ngồi, xe tải nặng từ 6 trục trở lên (bao gồm cả tổ hợp phương tiện) không lưu thông vào cao tốc Cam Lộ- La Sơn để vào QL1 và các đường phù hợp qua địa bàn.
Sau gần 20 ngày triển khai, giải pháp này đang tạo chuyển biến tích cực, cao tốc phân kỳ 2 làn xe thông thoáng, không còn tình trạng ùn ứ cục bộ do các phương tiện khác chạy sau xe tải nặng lưu thông dưới tốc độ tối thiểu (60km/h), ngăn nạn vượt ẩu, đảm bảo ATGT. Trong khi đó QL1 không gia tăng đột biến phương tiện, lưu thông êm thuận...
Tuy nhiên, phía tỉnh Quảng Trị cho rằng cần làm rõ cơ sở việc phân luồng điều tiết phương tiện trên, lo ngại tình trạng đẩy rủi ro, gia tăng TNGT trên QL1 do tỉnh chưa có đường tránh TP Đông Hà, trên tuyến QL1 có gần 220 điểm đấu nối, giao cắt cùng mức, nhiều trường học, tình trạng xe né trạm thu phí BOT Đông Hà, ý thức người tham gia giao thông còn hạn chế...
Trực tiếp giải trình với đoàn ĐBQH tỉnh sau khi Tư vấn Trường Sơn trình bày về cơ kết quả đếm xe trên cao tốc Cam Lộ- La Sơn và QL1, Cục trưởng Cục Đường bộ VN cho hay, giải pháp phân luồng phương tiện được cục tính toán kỹ lưỡng, cẩn trọng trên cơ sở khoa học (đếm xe, phân tích dòng phương tiện, điều kiện địa hình, độ dốc tuyến, yếu tố thời tiết sương mù...), căn cứ bối cảnh thực tiễn (phân kỳ đầu tư) và thẩm quyền tổ chức giao thông ở cả QL1 và cao tốc Cam Lộ- La Sơn.
Theo đó, kết quả đếm xe tại 2 vị trí trên QL1 (Trạm thu phí Đông Hà- Quảng Trị, Trạm thu phí Phú Bài- Huế) và trên cao tốc cho thấy, lượng xe qua cao tốc Cam Lộ- La Sơn đạt trunh bình gần 10.000 PCU (xe quy đổi/ngày đêm), chạm ngưỡng mãn tải với đường 2 làn xe không có giải phân cách giữa. Trong khi đó, QL1 còn thiếu 6.000 PCU (xe quy đổi) mới đạt ngưỡng mãn tải. Việc phân luồng ô tô khách trên 30 chỗ, xe tải nặng mới chỉ điều tiết khoảng 3.000 PCU từ cao tốc sang QL1, đảm bảo sự hài hòa, không gây đột biến phương tiện giữa QL1 và cao tốc.
"Thực tế đây cũng là phương án cuối cùng sau khi ngành đường bộ đã tổ chức loạt giải pháp đồng bộ để bổ sung, nâng cao hiệu quả hệ thống ATGT trên cao tốc, như điều chỉnh vạch tim đường, bổ sung đinh phản quang ở tất cả đoạn cao tốc 2 làn xe, hệ thống biển báo, tiêu hộ lan mềm, sơn gồ giảm tốc, mở rộng điểm dừng đỗ khẩn cấp, và mới nhất là bổ sung 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cao tốc...", ông Cường thông tin.
Theo ông Cường, về điểm đấu nối trên QL1, đây là nhu cầu từ trước của tỉnh. Quảng Trị xin mở các điểm đấu nối trên cơ sở các vị trí hiện hữu, đấu nối trực tiếp ra QL1 phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương. Cục chỉ đạo các đơn vị chức năng rà soát, bổ sung giải pháp đảm bảo ATGT tại các khu vực đấu nối tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, điểm trường, tăng cường công tác duy tu sửa chữa trên QL1.
"Đây là công tác thường xuyên của ngành đường bộ trên địa bàn, không phải vì phân luồng. Cục Đường bộ VN sẽ tăng cường thêm loạt giải pháp nâng cao ATGT ngay trong những ngày tới", ông Cường thông tin.
Các kiến nghị về camera, điện chiếu sáng... lãnh đạo Cục Đường bộ cho biết sẽ đồng bộ ở giai đoạn 2 để tránh lãng phí.
Ông Lê Văn Sáu, Phó giám đốc Ban QLDA đường HCM cho hay, việc mở rộng cao tốc lên 4 làn xe đã được Bộ GTVT trình Chính phủ và đang chờ Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 7.000 tỷ đồng, có thuận lợi là được GPMB hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe, trình cơ chế đặc thù, huy động các nhà thầu mạnh, để tập trung thi công, hoàn thiện vào cuối năm 2025.
Theo ông Cường, đầu tư cao tốc hoàn chỉnh là giải pháp căn cơ để giải quyết những vấn đề phát sinh của cao tốc 2 làn.
Cuối cùng, người đứng đầu Cục Đường bộ VN mong địa phương, ngành chức năng chia sẻ bởi với bối cảnh phân kỳ đầu tư hiện nay, giải pháp nào cũng có những vấn đề chưa thể khắc phục hết, rất cần sự chung tay hỗ trợ của các địa phương trên tuyến vì mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo ATGT.
Sớm nâng cao tốc 4 làn xe
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Hà Sỹ Đồng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, đại diện lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh ghi nhận và đánh giá cao Cục Đường bộ VN đã tiếp thu, kịp thời giải đáp các ý kiến của cử tri, tỉnh Quảng Trị. Theo ông Đồng, thời gian qua, Bộ GTVT, Cục Đường bộ VN ưu tiên nhiều nguồn lực hỗ trợ tỉnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Với cao tốc Cam Lộ - La Sơn được phần kỳ đầu tư 2 làn xe, ông Đồng cho hay, tỉnh đồng thuận cơ sở khoa học trong việc phân luồng, điều tiết phương tiện nhưng cần tính tới cả cơ sở thực tiễn để tiếp tục rà soát, xử lý những vấn đề phát sinh, đảm bảo ATGT. Đồng thời, ông Đồng cũng bày tỏ đồng tình với giái pháp tối ưu nhất là cần sớm đầu tư lên 4 làn xe.
"Quảng Trị cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ về công tác GPMB nếu có. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị có ý kiến Chính phủ, Quốc hội ủng hộ chủ trương này của ngành GTVT trong việc sớm ưu tiên nguồn lực đầu tư cao tốc Cam Lộ- La Sơn lên 4 làn xe", ông Đồng nói.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đề nghị Cục Đường bộ VN sớm triển khai các biện pháp tăng cường ATGT trên QL1 để tạo sự an tâm, an toàn cho người dân. Về phía địa phương, tỉnh sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng như Công an tỉnh, Sở GTVT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chấp hành của người tham gia giao thông.
Liên quan ý kiến của lãnh đạo Phòng CSGT (Công an tỉnh Quảng Trị) cho rằng, việc cấm xe trên cao tốc vừa qua là quá nhanh và mang tính "cưỡng chế", ông Đồng phản hồi: "chưa phải", bởi cục Đường bộ VN cũng đã có nghiên cứu, trao đổi, phân tích trên cơ sở khoa học và trên cơ sở thực tiễn đã phân tích, đúng như thế. Nhưng thực tế tại địa phương có những phát sinh ngoài mong muốn nên các bên cần rà soát, tính toán phương án đảm bảo ATGT trên QL1, cao tốc.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh cho hay: việc sớm bố trí vốn để mở rộng cao tốc Cam Lộ- La Sơn là chủ trương cần thiết để đảm bảo tối đa ATGT trong quá trình khai thác và sử dụng hạ tầng giao thông trên địa bàn. Ông Thắng băn khoan vì từ khi cấm ô tô khách trên 30 chỗ, xe tải nặng trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn thì tuyến này "vắng xe". Trao đổi về vấn đề này, ông Cường cho biết, đây chính là dấu hiệu cho thấy hiệu quả của giải pháp trên. Do không còn tình trạng xe ùn ứ, nối đuôi nhau sau các xe tải nặng lưu thông chậm nên phương tiện thoát xe nhanh và tạo cảm giác đường vắng. Tuy nhiên thực tế lượng xe giảm không đáng kể.
Kết luận buổi làm việc, ông Hà Sỹ Đồng bày tỏ sự chia sẻ của tỉnh Quảng Trị trong bối cảnh đầu tư hạ tầng giao thông. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng, địa phương tăng cường hơn nữa giải pháp TTKS, xử ký vi phạm trật tự giao thông, xe né trạm thu phí, ý thức người tham gia giao thông...
Được biết, cao tốc Cam Lộ- La Sơn có chiều dài hơn 98km, điểm đầu Cam Lộ (Quảng Trị, giao QL9), điểm cuối La Sơn (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế) nối vào đường La Sơn- Hòa Liên. Ở giai đoạn phân kỳ, cao tốc này có quy mô 2 làn xe, không có giải phân cách giữa. Trên tuyến bố trí gần chục điểm quy mô 4 làn xe, có giải phân cách giữa, được phép vượt xe và một số đoạn 2 làn xe được phép vượt xe 1 chiều.... Cuối năm 2022, công trình được đưa vào khai thác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận