Tuyến kênh mương hoàn thành nhưng không hoạt động, cỏ dại phủ đầy |
Theo thiết kế, tuyến kênh cấp nước kết hợp đê bao đi qua 2 thôn Huỳnh Công Đông và Thủy Trung có tổng chiều dài 626m với kết cấu bê tông xi măng. Mục tiêu xây dựng công trình là xây dựng hệ thống ao nuôi cá nhằm từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng thủy sản và thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất của xã Vĩnh Trung, huyện Vĩnh Linh.
Tuy nhiên, kể từ khi xây dựng đến nay, công trình này chưa một lần được đưa vào sử dụng vì nhiều bất cập trong thiết kế. Theo quan sát của PV Báo Giao thông, đầu dẫn nước của hệ thống kênh mương này cao hơn mặt nước khoảng 40cm, vậy nên, nước không tự chảy vào kênh được. Không thể sử dụng, con kênh này bị bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm. Đáng nói, từ ngày xây kênh mới, nguồn nước bị chắn lấp, nên hàng chục hộ dân nuôi cá vùng Rọ Khái không có nước vào hồ để nuôi.
Ông Tạ Quang Ruộng (60 tuổi, trú tại Đội 2, thôn Huỳnh Công Đông, xã Vĩnh Trung) cho biết: Trước đây, nhờ nguồn nước sẵn ở dưới chân đồi cát nên năm nào nhà ông cũng có thu nhập khá từ hồ cá nước ngọt. “Nhưng từ khi con kênh này được xây dựng, nguồn nước không vào hồ được nữa. Nước không chảy vào mương thì lấy đâu mà chảy vào hồ. Hiệu quả chẳng thấy đâu, giờ tôi và những chủ hồ khác chỉ nuôi cầm chừng thôi chứ không dám thả mới hay phát triển thêm”, ông Ruộng nói.
Ông Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trung thừa nhận: “Xây xong con kênh mới nhận ra hoạt động không hiệu quả. Và thực tế, sau khi đưa vào hoạt động, tuyến kênh này hoàn toàn vô hiệu với các hồ nuôi cá của người dân bấy lâu”.
Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị lại cho biết: “Sở cùng các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra chất lượng hệ thống kênh mương tại xã Vĩnh Trung. Sau một năm đi vào hoạt động, chúng tôi đã về kiểm tra và nhận thấy rằng công trình này vẫn hoạt động hiệu quả. Để phục vụ việc chủ động bơm nước, chúng tôi có làm 2 trạm bơm ở gần đó”, ông Huân nói.
Khi PV đặt vấn đề người dân cho rằng cần phải sửa mới đưa vào hoạt động, ông Huân thản nhiên nói: “Nếu người dân thấy không có hiệu quả thì nên tìm một nguồn đầu từ khác để tu sửa hoặc khắc phục để phục vụ sản xuất vì nguồn vốn xây dựng của sở đã hết, chỉ hỗ trợ địa phương xây dựng được 1 lần”. Ông Huân cũng cho rằng, vì người dân địa phương không thường xuyên quan tâm, bảo vệ tuyến kênh nên mới để xảy ra tình trạng xuống cấp như thế.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận