Huế: Hơn 1.100 nhà dân bị ngập
Tối 8/10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, mấy ngày qua, trên địa bàn đã có mưa rất to trên diện rộng.
Chủ động ứng phó với mưa lũ, huyện Phong Điền đã tổ chức di dời 296 hộ, 857 khẩu tại các xã Phong Mỹ, Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu và một số hộ dân tại thị trấn Phong Điền đến nơi an toàn. Huyện A Lưới đã di dời 26 hộ dân tại các xã Hồng Thượng, Đông Sơn, A Ngo và Phú Vinh; thị xã Hương Trà di dời 11 hộ/ 44 khẩu đến nơi an toàn.
Nhiều tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ, liên xã tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế bị ngập, trong đó có nhiều đoạn bị ngập sâu gây chia cắt giao thông.
QL49B đoạn qua xã Phong Hòa, Phong Bình, Điền Hương, Điền Lộc... ngập nhiều đoạn, đoạn sâu nhất 0,8-1m. QL49A từ Huế đi A lưới bị sạt lở một số điểm cục bộ, trong đó tại Km 76+380 sạt ta luy dương với khối lượng lớn gây tắc đường, hiện đã thông xe.
Mưa lũ cũng khiến 1 nhà dân tại thôn Hiền Lương (xã Phong Hiền, huyện Phong Điền) bị sập, 1.100 nhà dân thuộc các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu (huyện Phong Điền) và phường An Tây (TP Huế) bị ngập từ 0,3- 0,8m; 1 người mất tích và 4 người bị thương...
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của triều cường, bờ biển Thừa Thiên - Huế tiếp tục bị sạt lở nặng với chiều dài hơn 9km, tập trung ở các đoạn qua xã Giang Hải (2,5 km), Phú Thuận (hơn 2km), Phú Diên (hơn 2km), Phú Hải (1,5km) và xã Hải Dương khoảng 1,0 km. Bờ sông Hương đoạn qua xã Hương Thọ (thị xã Hương Trà) bị sạt lở với chiều dài khoảng 50m...
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng lượng mưa của cả đợt, tính đến 15h ngày 8/10 phổ biến 450- 650mm, một số nơi cao hơn như Tà Lương 672.4mm, A Lưới 831.4mm, Bạch Mã 921.6mm.
Dự báo, từ hôm nay đến ngày 10/10 tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Tổng lượng mưa tính từ ngày 8/10 đến hết ngày 10/10 phổ biến từ 150- 300mm, có nơi trên 350mm...
Quảng Bình: Hơn 100 căn nhà bị ngập, dân đi lại bằng thuyền
Chiều 8/10, ông Trương Thanh Duẫn, Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết, hiện tại trên địa bàn xã đã có hơn 100 ngôi nhà dân bị ngập sâu từ 1,2 - 1,5m, người dân phải đi lại bằng thuyền.
Theo đó, xã Tân Hóa nằm ở vị trí "lòng chảo", xung quanh là núi đá và là vùng thượng nguồn của sông Gianh nên nước từ mọi hướng đổ về đây rất lớn khiến hơn 100 nhà dân bị ngập sâu trong nước. Nhiều tài sản, vật dụng sinh hoạt gia đình bị nước nhấn chìm và cuốn trôi. Các tuyến đường đi lại của người dân đều bị ngập trong nước.
Các mùa mưa bão trước đây vùng này đều bị ngập nước, do đó trước khi có thông tin về dự báo thời tiết, chính quyền và các lực lượng chức năng đã dùng phương tiện chuyên dụng vào các điểm có nguy cơ ngập cao của xã Tân Hóa để giúp người dân di dời qua các nhà cao, trường học và nhà nổi để tránh lũ.
Chính quyền địa phương và người dân Tân Hóa cũng đã chủ động đưa đàn trâu, bò hơn 2.000 con của xã lên vùng cao để tránh lũ. Các vị trí đường bị ngập nhưng an toàn thì người dân dùng thuyền đi lại để tránh lũ. Cùng với đó, hiện toàn bộ người dân trong xã đã có nhà phao, nhà bè để "sống chung với lũ".
Cho đến 15 h ngày 8/10, mưa vẫn đang rất to tại các xã Tân Hóa, Minh Hóa, Thượng Hóa của huyện miền núi Minh Hóa khiến nhiều tuyến đường vào các thôn bản bị cô lập, chia cắt. Hàng trăm hecta hoa màu của người dân cũng đã bị ngập nước.
Tại các xã dọc biên giới Trọng Hóa, Dân Hóa, Thượng Hóa và Hóa Sơn… tình hình mưa lũ vẫn diễn biến phức tạp. Tại xã Trọng Hóa có 4 điểm ngầm trên con đường vào vùng Lòm ngập sâu, khiến 7 bản vùng trong gồm: Pa Chong, Ra Mai, Lòm… với 420 hộ dân bị chia cắt, cô lập. Các tuyến đường vào các bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ của đồng bào Rục (xã Thượng Hóa) …đã bị chia cắt nhiều đoạn bởi nước từ các khe suối dâng cao.
Tại xã Dân Hóa có 6 bản gồm: K.Ai, Ôóc, Tà Rà… với 246 hộ dân bị cô lập. Do cột điện bị gãy Bà Hồ Thị Núc, ở bản Ba Lóc bị điện giật khi đang chạy lũ hiện đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa huyện Minh Hóa.
Tại các điểm xung yếu, lực lượng công an, quân đội của huyện Minh Hóa đã bố trí ca nô, xuồng máy túc trực để ứng cứu, đặc biệt là đưa bệnh nhân, sản phụ đi bệnh viện khi có yêu cầu.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến 10 giờ hôm nay, toàn tỉnh có 25 thôn, bản thuộc bị chia cắt cục bộ do nước dâng cao gây ngập một số đoạn đường. Huyện Minh hóa có 12 bản, huyện Bố Trạch có 6 bản, huyện Quảng Ninh có 5 bản và một thôn, huyện Lệ Thủy có 2 bản.
Theo thống kê sơ bộ của UBND huyện Quảng Ninh, hiện địa phương này có khoảng 550 nhà dân tại các xã Hàm Ninh, Tân Ninh, Duy Ninh, Xuân Ninh, Hiền Ninh, Trường Xuân, Trường Sơn và thị trấn Quán Hàu bị ngập lụt từ 0,3-0,5m.
Tại Lệ Thủy, mưa lớn khiến một số điểm trên tuyến Quốc lộ 9C bị sạt lở, hư hỏng. Toàn huyện có khoảng gần 600 hộ dân chủ yếu thuộc các xã Lâm Thủy, Kim Thủy, Ngân Thủy, Trường Thủy, An thủy, Lộc Thủy, Sơn Thủy bị ngập. Trên 3 sông Kiến Giang, Nhật Lệ, sông Gianh đã vượt báo động 3 và đang dâng lên cao.
Quảng Trị: Nước ngập nửa nhà
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, tuyến đường nối cầu Sông Hiếu từ QL9 từ TP Đông Hà qua các xã phía Bắc huyện Cam Lộ và tuyến đường Hoàng Diệu, Bà Triệu dọc sông Hiếu (TP Đông Hà) đang bị nước lũ “nhấn chìm” gây chia cắt giao thông. Hàng loạt nhà dân tại đây đang bị ngập sâu hơn nửa nhà.
Hàng loạt xe máy múc thi công công trình đang đậu bên tuyến đường phía thượng nguồn cầu sông Hiếu cũng đang bị mắc kẹt giữa, một số xe đang được “giải cứu”.
Mưa lớn, nước từ thượng nguồn sông Hiếu đỗ về cũng khiến nhiều tuyến đường tại các xã Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Thanh, thị trấn Cam Lộ (huyện Cam Lộ) bị chia cắt. Dọc bên QL9 đoạn từ phường 4 (TP Đông Hà) lên huyện Cam Lộ, hàng loạt nhà dân bị ngập sâu hơn cả mét.
Đến chiều 8/10, người dân nơi đây vẫn đang tất tả di chuyển xe máy lên thuyền, khiêng tủ lạnh, ti vi… chạy lũ, gửi nhà ở khu vực cao.
Theo báo cáo nhanh từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị sáng 8/10, mưa lớn cũng khiến nhiều nơi tại các xã Thuận, xã Thanh và thị trấn Lao Bão (huyện Hướng Hóa), xã Ba Lòng và xã Triệu Nguyên (huyện Đakrông)… bị ngập lụt.
Trên địa bàn toàn tỉnh có 805 hộ/3.728 khẩu, chủ yếu tập trung ở 2 huyện miền núi Đakrông (525 hộ/2.333 khẩu) và Hướng Hóa (280/1.395 khẩu).
Đáng chú ý, mưa lũ khiến 3 người mất tích và 1 người chết. Cụ thể, khoảng 11h ngày 7/10, ông Phạm Văn Nam (SN 1985) và ông Lê Quang Hùng (SN 1992, trú thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện Hướng Hóa), chèo đò qua con suối gần hồ thủy điện Rào Quán đi làm rẫy, do mưa lớn, đò bị lật nên bị nước cuốn trôi mất tích.
Một người mất tích khác là ông Lê Bá Chương (SN 1957, thôn CuTaKa, xã Hướng Lộc, huyện Hướng Hóa), khoảng 20h tối 10/7, ông Chương trên đường về nhà bị nước cuốn trôi. Riêng cháu Lê Thị Mỹ Hạnh (SN 2017, thôn Câu Hà, xã Hải Phong, huyện Hải Lăng) khi đang chơi tại sân nhà gần bờ sông Ô Lâu không may trượt chân bị nước cuốn trôi. Hiện nay đã tìm thấy thi thể.
Ngoài ra, vào khoảng 4h30 sáng 8/8, ông Hồ Văn Phơi (Pả Kỉa) ở thôn Cu Dong (xã Húc) đi tháo nước áo cá trong gia đình không may bị nước cuốn trôi. Hiện nay, những người bị mất tích đang được các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tìm kiếm…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận