Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng báo cáo làm rõ thêm công tác bồi thường sự cố môi trường biển tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh khóa VII, vấn đề "nóng" đang được rất nhiều người dân quan tâm |
Giải đáp các vấn đề “nóng”
Báo cáo làm rõ công tác bồi thường sự cố môi trường biển trong ngày làm việc cuối cùng (29/7) tại kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh Quảng Trị khóa VII, Phó chủ tịch Hà Sỹ Đồng cho biết, đến ngày 27/7 tỉnh đã cấp để chi trả tiền bồi thường cho các đối tượng trên 904 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch vốn Trung ương cấp. Kinh phí đã được các địa phương rà soát và thẩm định, phê duyệt trên 862 tỷ đồng; kinh phí chưa chi trả trên 31 tỷ đồng và kinh phí điều chỉnh giảm trên 10 tỷ đồng (Vĩnh Linh trên 1,6 tỷ, Gio Linh trên 8,4 tỷ). Còn lại trên 3,9 tỷ chưa chi trả được, do một số đối tượng sau sự cố môi trường đi làm ăn xa chưa đến nhận.
Theo ông Đồng, tại huyện Triệu Phong còn một số trường hợp đang niêm yết công khai để người dân phản biện, giám sát. Một số đối tượng ghe tàu trên sông và lao động trên ghe tàu sông cũng có ý kiến thắc mắc đã kéo ra tỉnh khiếu nại…, hiện chưa giải quyết được, chờ phản biện, phê duyệt, hướng dẫn, triển khai đúng các quy định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT. Huyện Hải Lăng cũng còn một số trường hợp đang xác minh lại.
Riêng một số chủ hồ nuôi tôm ở Gio Linh thắc mắc đã kéo vào tỉnh khiếu kiện, ông Đồng “xin nói rõ nguyên nhân rất phức tạp, một số quy định tôm chết trong thời điểm sự cố môi trường không rõ nguyên nhân do sử dụng nguồn nước biển bị ô nhiễm tôm chết thì được chi trả bồi thường. Một số hồ như vậy họ không xét nghiệm nguyên nhân của tôm chết, đã chi trả xong rồi, một số hồ nuôi tôm đem đi test để lấy kết quả, trong đó có ra bị đốm trắng.
Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Văn Hưng phát biểu tại kỳ họp |
“Chúng tôi rà soát các quy định và cũng đã có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Sở NN&PTNT và UBND huyện Gio Linh, nếu trong thời gian đó đồng thời do bệnh và cũng do sự cố môi trường thì chi trả cho người dân. Nếu sai do người chi trả thì Hội đồng đền bù của tỉnh, huyện, xã, thôn phải chịu trách nhiệm”, ông Đồng nhấn mạnh.
Theo ông Đồng, hiện có 1.200 hồ sơ của người dân là những người làm thuê cho các khách sạn phục vụ du lịch tại bãi tắm Cửa Tùng và các doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến ở cảng cá Cửa Tùng (Vĩnh Linh) cũng khiếu nại đề nghị bồi thường thiệt hại theo đối tượng lao động bị mất thu nhập. Họ không thuộc quản lý của xã/thị trấn, khi đến làm ăn chỉ “hợp đồng miệng” với các chủ cơ sở, nên vừa qua thôn, xã không ký xác nhận và cũng không giải thích cụ thể…
“Tỉnh đã chỉ đạo thành lập các đoàn giám sát việc chi trả bồi thường thời gian qua và đoàn liên ngành cũng về tận cơ sở nắm bắt lại các lao động trên. Nếu chi trả cũng phải đầy đủ giấy tờ thủ tục, đăng ký thường trú, có hợp đồng, bảng lương hàng tháng trước khi xảy ra sự cố môi trường”, ông Đồng cho hay.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính cho biết kiên quyết thu hồi, xử lý bồi thường không đúng... |
Riêng kiến nghị của người dân các vùng nuôi tôm bị chết ở Vĩnh Linh như Vĩnh Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn… không thuộc đối tượng 16 xã/thị trấn ven biển của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bồi thường. UBND tỉnh đã tiếp thu và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp của Ban chỉ đạo Trung ương về chi trả sự cố môi trường biển. “Nếu được Chính phủ đồng ý cho mở rộng thì chúng tôi sẽ chi trả cho bà con, còn nếu không thì bà con cũng phải thông cảm, chia sẻ”, ông Đồng nói.
Kiên quyết xử lý bồi thường không đúng
“Những trường hợp kê khai đền bù không đúng được người dân phát hiện, tỉnh đã chỉ đạo làm kiên quyết, có nơi đã thu hồi", ông chính nhấn mạnh và cho biết "những người không đúng đối tượng mà nhận tiền thì trước sau gì cũng bị phát hiện, thu hồi và thậm chí sẽ bị xử lý theo pháp luật”, ông Chính nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị UBND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, thực hiện đúng các quy định hiện hành của Chính phủ, chi đúng đối tượng, đúng quy định định mức, đồng thời kiên quyết xử lý những người “lùng nhùng” để trục lợi, tạo ra khiếu kiện, khiếu nại không đáng có.
“HĐND tỉnh ghi nhận việc chỉ đạo kịp thời của UBND tỉnh cử kỹ sư Nông nghiệp trực tiếp về 16 xã để giúp nhân dân nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất, chuyển đổi sinh kế, tạo việc làm mới cho người dân vùng biển. Một số mô hình bước đầu đã phát huy hiệu quả. Ngoài ra, thông qua nhiều kênh cũng đã giúp người dân miền biển có điều kiện chuyển đổi sinh kế, có công ăn việc làm ổn định”, ông Hùng nói.
Ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị, cho biết ngày 21/7 vừa qua Bộ NN&PTNT đã có Công văn 5978 và UBND tỉnh ngày 26/7 đã có văn bản 3647 về giao cho chính quyền vùng biển cũng như các Sở ngành tiếp tục báo cáo về tình hình đền bù thiệt hại sự cố môi trường biển. Trong đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu tiếp tục rà soát lại đối tượng (nếu có) và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các đối tượng để tiếp tục kiến nghị với Trung ương để rà soát để tiếp tục đền bù. “Chúng tôi cũng đã có văn bản hỏa tốc đề nghị các ban ngành, chính quyền 4 huyện… tiếp tục rà roát, trên nguyên tắc là những đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp và theo quy định của Chính phủ là không mở rộng đối tượng ngoài phạm vi Quyết định 1880 và 309 của Thủ tướng Chính phủ”, ông Hưng cho biết. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính cũng nhấn mạnh, tỉnh chỉ đạo phải làm đúng đối tượng theo Quyết định 1880 và 309. Còn những đối tượng mới phát sinh hoặc những đối tượng bây giờ đề nghị tăng thêm, tỉnh đã tiếp thu và đề nghị nhưng Chính phủ không cho, chưa cho thì không làm được vì nếu làm sai thì sẽ bị xử lý trách nhiệm, kỷ luật. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận