Bất chấp nguy hiểm, nhiều người sẵn sàng đi bộ qua đường trước dòng phương tiện lao vun vút thay vì sử dụng cầu vượt dành cho người đi bộ (Ảnh chụp trên đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn |
Tình trạng người đi bộ vi phạm Luật Giao thông đường bộ, thậm chí ngang nhiên băng qua đường gây va chạm, TNGT diễn ra rất nhức nhối. Tuy nhiên, rất hiếm khi thấy lực lượng chức năng xử phạt để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật ATGT.
Vi phạm phổ biến
Ngày 6/11, tại đường Phạm Hùng, đoạn đối diện bến xe Mỹ Đình có hầm đi bộ nhưng phần lớn người đi bộ vẫn chọn cách băng qua đường. Ngay sau khi xe khách trả xuống số 1 Phạm Hùng, gần chục người vô tư sang đường, bất chấp dòng ô tô đang đi với tốc độ cao từ trên đường vành đai 3 xuống. Thậm chí, những người này còn trèo qua dải phân cách cao hàng mét để sang đường. Trong khi, cách đó chưa đầy 100m có hầm đi bộ ở bến xe Mỹ Đình.
Tương tự, tại nhà chờ Trung Văn (xe buýt BRT), sau khi từ nhà chờ ra, hai em học sinh “ra tín hiệu” vẫy tay xin sang đường. Phải nhích từng cm đường với khuôn mặt sợ hãi thì 2 phút sau đó các bạn học sinh này cũng đã sang được đường và đi lên vỉa hè của người đi bộ.
"Người đi bộ hiện nay sang đường rất tùy tiện, dù có quy định xử phạt nhưng các lực lượng chức năng gần như không xử phạt. Một lý do nữa cũng cần nói tới là vỉa hè hiện bị chiếm dụng quá nhiều, không còn lối đi cho người đi bộ. Đây cũng là lý do các lực lượng chức năng đang ngại xử phạt vì chính những ưu tiên cho người đi bộ chưa hoàn thiện”. TS. Nguyễn Thị Thu Thủy |
Điều đáng nói, thực trạng người đi bộ qua đường tùy tiện, bất chấp quy tắc giao thông diễn ra tràn lan trên hầu khắp các tuyến đường của Hà Nội. Thiếu tá Đinh Ngọc Đạo, Đội phó Đội CSGT số 1 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) chia sẻ, địa bàn Đội CSGT số 1 quản lý thuộc quận Hoàn Kiếm, trong đó đặc biệt là khu phố cổ, phố cũ, tình trạng người đi bộ qua đường không đúng quy định của Luật GTĐB diễn ra khá phổ biến. Theo Thiếu tá Đạo, đầu năm 2017, Phòng CSGT công an thành phố đã có một chuyên đề kiểm tra xử lý người đi bộ vi phạm. Quá trình xử lý cho thấy, người vi phạm không chỉ vi phạm đi không đúng làn vạch sơn chỉ dẫn quy định mà ngay cả khi có đèn đỏ, người đi bộ vẫn cố tình băng qua đường một cách tùy tiện, nguy cơ xảy ra TNGT bất cứ lúc nào. “Người đi bộ vi phạm sẽ bị xử phạt tiền từ 80-100 nghìn đồng, nhưng khi xử lý, CSGT cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chẳng hạn như người vi phạm không mang CMND, thậm chí cũng không mang tiền, CSGT chỉ chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở”, Thiếu tá Đạo nói.
Cũng theo Thiếu tá Đạo, theo thống kê của đội, độ tuổi người đi bộ vi phạm chủ yếu từ 18 đến dưới 40. Từ đầu năm 2017 đến nay, Đội CSGT số 1 lập biên bản, phạt tiền 116 trường hợp người đi bộ vi phạm, trong đó có 6 trường hợp người đi bộ đi sai phần đường, còn lại là những lỗi vi phạm khác.
Thượng tá Lê Văn Hoan, Đội trưởng Đội CSGT số 4 (phụ trách địa bàn quận Hai Bà Trưng) cũng cho biết, vi phạm của người đi bộ trên địa bàn chủ yếu là sinh viên. Điển hình tại nút giao thông Lê Thanh Nghị - Trần Đại Nghĩa (có trường ĐH Kinh tế Quốc dân, Đại học Bách khoa), sinh viên, học sinh vi phạm đi bộ thành hàng dưới lòng đường gây cản trở các phương tiện lưu thông trên địa bàn.
Đại úy Trần Quang Chinh, Đội phó Đội CSGT số 6 (phụ trách địa bàn quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm) cũng thông tin, không chỉ vi phạm những lỗi thông thường, nhiều người đi bộ còn liều mạng đi bộ cả trên đường vành đai 3 trên cao (ở tuyến đường này, các phương tiện được phép chạy với tốc độ rất cao, từ 60- 90km/h) để đón xe khách đi các tỉnh. Vì thế, vào các giờ cao điểm, Đội CSGT số 6 luôn bố trí cán bộ, chiến sĩ CSGT trực chốt ở các vị trí trên đường lên xuống để nhắc nhở người dân.
Trên đường Phạm Hùng, dù đã có hàng rào bằng sắt nhưng nhiều người đi bộ sẵn sàng trèo qua rào hoặc lách người qua để sang đường cho tiện. “Mặc dù chế tài xử lý vi phạm đã có rồi, nhưng chúng tôi cũng chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, tuyên truyền đến người vi phạm. Nhiều trường hợp xử phạt, người vi phạm không mang theo tiền, CSGT cũng không làm gì được, vì không thể giữ người”, Đại úy Chinh nói.
Dù có cầu vượt cho người đi bộ cách đó không xa, nhưng thiếu nữ vẫn trèo qua rào chắn để sang đường (Chụp 15h ngày 7/11 trên đường Giảng Võ, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn |
Chưa có thống kê TNGT có nguyên nhân từ người đi bộ
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, Luật GTĐB năm 2008 cũng chú trọng đến điều kiện kết cấu hạ tầng giao thông đảm bảo an toàn cho người đi bộ như: Tổ chức giao thông tại các nút giao, vạch sang đường, đèn tín hiệu cũng như cầu vượt và hầm cho người đi bộ. Thời gian qua, Ủy ban ATGT Quốc gia có nhiều hoạt động tuyên truyền ATGT cho người đi bộ, giáo dục quy tắc đi bộ an toàn cho học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực tế đa số người đi bộ không chấp hành, vi phạm quy tắc khi tham gia giao thông diễn ra phổ biến. “Thậm chí, có cả tình trạng người đi bộ đi không đúng quy tắc, là nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT”, ông Thái nói.
Quy định xử phạt người đi bộ tại Mỹ Tại Mỹ, người đi bộ luôn có quyền được ưu tiên hợp pháp so với các phương tiện khác. Nếu nhìn thấy người đi bộ băng qua đường, bạn bắt buộc phải dừng để nhường đường cho họ. Nhưng, điều này không có nghĩa người đi bộ thích đi như thế nào cũng được. Từ lâu, Mỹ đã áp dụng các quy định về phần đường dành cho người đi bộ (vỉa hè, vạch sang đường...) và xử phạt nghiêm khắc. Ở các tuyến đường không có vỉa hè, người đi bộ luôn phải đi về bên trái, đối mặt với các phương tiện đang đi tới. Trên các tuyến đường đông đúc hoặc gần khu vực trường học, luôn có lực lượng tuần tra giám sát người đi bộ. Thời gian gần đây, nhiều bang như New Jersey đang nghiên cứu quy định phạt người đi bộ sử dụng điện thoại trong khi di chuyển. Theo đề xuất của New Jersey, người đi bộ sẽ bị phạt tới 50 USD hoặc 15 ngày tù giam, tương đương mức phạt đi sai làn đường dành cho người đi bộ. B.T |
Về lý do vì sao các lực lượng xử phạt lỗi vi phạm này quá ít, ông Thái cho biết, Nghị định 46 của quy định rất rõ, tuy nhiên, các lực lượng chức năng triển khai chưa thường xuyên hoặc chỉ làm theo định kỳ. “Một phần do lực lượng mỏng, địa bàn rộng, nhiều trường hợp người đi bộ không mang tiền theo người nên khó xử phạt, đối tượng là học sinh chỉ nhắc nhở. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng phải tập trung vào các hành vi nguy hiểm hơn”, ông Thái chia sẻ.
Cũng theo ông Thái: “Hiện, chưa có con số thống kê chính xác về số liệu TNGT có nguyên nhân từ người đi bộ. Số liệu từ Cục CSGT cho thấy, nguyên nhân tai nạn do người đi bộ lại được đưa vào nhóm nguyên nhân khác”.
Ở một góc độ khác, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã đầu tư hàng loạt các cầu đi bộ, hầm đi bộ nhằm đảm bảo ATGT. Tuy nhiên, người đi bộ vẫn nghĩ mình là nhóm đối tượng ưu tiên, không bị xử phạt nên thích đi thế nào thì đi, tiện đâu đi đấy mà không tuân thủ quy định.
Theo Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67) Công an TP.HCM, để chấn chỉnh tình trạng người đi bộ vi phạm cũng như ngăn ngừa các vụ TNGT xảy ra có liên quan đến người đi bộ, trong thời gian qua, cơ quan chức năng đã triển khai hàng loạt các biện pháp như bố trí lực lượng tuần tra kiểm soát tại các khu vực thường xuyên có người đi bộ vi phạm và lập biên bản xử lý nghiêm. “Người đi bộ là một trong những đối tượng tham gia giao thông nên phải tuân thủ, chấp hành đúng các quy định của pháp luật giao thông. Thời gian qua, trên địa bàn thành phố cũng đã lắp đặt một số cầu vượt dành cho người đi bộ tại các điểm nút giao thông trọng điểm hoặc kẻ vạch sơn để cho người đi bộ qua đường. Cùng với việc xử phạt, chúng tôi thường xuyên tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT đường bộ trên các phương tiện truyền thông, ở trường học, cơ quan, xí nghiệp, cộng đồng dân cư... để nâng cao ý thức chấp hành, kỹ năng tham gia giao thông cho người dân...”, một lãnh đạo PC67 TP.HCM cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận