Tại cuộc họp báo ngày 13/3, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Troels Lund Poulsen cho biết nước này có kế hoạch bắt buộc phụ nữ đi nghĩa vụ quân sự.
“Chế độ nghĩa vụ quân sự cứng rắn hơn, trong đó đảm bảo bình đẳng giữa nam và nữ, sẽ góp phần giải quyết các thách thức quốc phòng an ninh, phát huy khả năng huy động và quản lý lực lượng vũ trang”, ông Poulsen cho biết.
Đây là lần đầu tiên Đan Mạch bắt buộc nữ giới thực hiện nghĩa vụ quân sự bình đẳng như nam giới, đưa Đan Mạch trở thành quốc gia thứ ba hiếm hoi ở châu Âu áp dụng chế độ bắt buộc này, sau Na Uy và Thụy Điển lần lượt áp dụng vào năm 2015 và 2017.
Cũng trong bài phát biểu này, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nói thêm, nước này sẽ kéo dài thời gian phục vụ quân ngũ cho cả nam và nữ gấp gần ba lần, từ 4 tháng lên 11 tháng.
Trước đó, chế độ nghĩa vụ quân sự chỉ bắt buộc với nam giới trên 18 tuổi. Tuy nhiên do số lượng thanh niên tình nguyện nhập ngũ thường cao hơn chỉ tiêu nên Đan Mạch thường phải tổ chức bốc thăm ngẫu nhiên để chọn ra những người thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Phụ nữ Đan Mạch vẫn có thể tham gia nghĩa vụ quân sự trên tinh thần tự nguyện. Tính đến năm 2023, nữ giới chiếm 1/4 lực lượng vũ trang của đất nước.
Bên cạnh đội ngũ binh lính nghĩa vụ được đào tạo huấn luyện cơ bản, quân đội Đan Mạch hiện có khoảng 7.000-9.000 lính chuyên nghiệp. Theo kế hoạch đến năm 2028, nước này sẽ tập trung vào các lực lượng phòng không trên bộ, bổ sung một lữ đoàn bộ binh lên tới 6.000 binh sĩ.
“Việc tăng cường củng cố lực lượng vũ trang không phải vì Đan Mạch muốn chiến tranh, mà nhằm mục tiêu phòng thủ trước chiến tranh, nhất là khi trật tự quốc tế đang gặp nhiều thách thức”, ông Frederiksen nói.
Đan Mạch chi khoảng 1,4% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng vào năm 2023, nhưng sẽ tăng chi tiêu cho lĩnh vực này thêm 5,4 tỷ euro trong 5 năm tới để đáp ứng mục tiêu 2% của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận