Phát biểu trên kênh truyền hình nhà nước ERR ngày 17/1, Thư ký Thường trực Bộ Quốc phòng Estonia Kusti Salm cho biết, quốc gia này sẵn sàng tiếp nhận binh sĩ NATO tới đồn trú tại căn cứ quân sự ở vùng Đông Bắc, cách biên giới với Nga khoảng 110km.
“Estonia đã chuẩn bị sẵn sàng cho trường hợp 5.000 binh sĩ thuộc lực lượng phản ứng nhanh NATO triển khai. Căn cứ tại Tapa có khu vực tiếp nhận đồng minh, lưu trữ thiết bị và vũ khí để từ đó các lực lượng có thể được điều chuyển đi các nơi khác”, ông Kusti Salm cho biết.
Bên cạnh đó, Estonia còn hứa sẵn sàng cung cấp lều bạt, container đặc biệt để phục vụ các binh sĩ NATO nếu căn cứ quân sự ở Tapa không đủ chỗ.
Binh sĩ NATO được mời triển khai tại Estonia. Ảnh - Sputnik
Quan chức quốc phòng Estonia cũng cho biết quốc gia này sẵn sàng xây thêm doanh trại nếu quân đội NATO cần đồn trú tại đây trong thời gian dài vì lý do cần tăng cường an ninh khu vực Baltic để ngăn chặn các mối đe dọa.
Đề xuất của Estonia được đưa ra trong bối cảnh an ninh châu Âu thời gian gần đây có nhiều bất ổn liên quan tới căng thẳng giữa Nga - Ukraine. Trong tuần qua, phái đoàn Nga, Mỹ và NATO đã có 3 cuộc gặp nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong khu vực, thảo luận về đề xuất đảm bảo an ninh châu Âu do Nga khởi xướng.
Đặc biệt, một trong những nội dung của đề xuất là NATO không triển khai quân đội tới các nước châu Âu không là thành viên của liên minh vào năm 1997, đồng nghĩa với việc yêu cầu NATO không triển khai quân đội tới Estonia, nước thành viên Liên Xô cũ đã gia nhập liên minh quân sự này từ năm 2004.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas cho biết quốc gia này cùng với Latvia và Lithuania đã thảo luận về việc tăng cường hiện diện quân sự của NATO trên lãnh thổ của họ để đối phó với nguy cơ đe dọa từ Nga.
“Nếu nhìn trên bản đồ, các nước Baltic là một bán đảo của NATO và vì vậy, chúng tôi có những quan ngại riêng”, bà Kaja Kallas nói.
Trước đây, NATO từng đưa quân tới Lithuania, Latvia, Estonia và Ba Lan vào năm 2014, khi lực lượng ly khai nổi dậy giao tranh với quân đội chính phủ tại khu vực miền đông Donbass của Ukraine và bán đảo Crimea sáp nhập về Nga.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận