Xã hội

Quốc hội "chốt" lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương

13/11/2021, 10:14

Sáng 13/11, Quốc hội thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, trong đó quyết định lùi thời điểm cải cách chính sách tiền lương.

Sáng nay (13/11), trong ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, với tổng số 468/465 số phiếu tán thành, đạt tỉ lệ 93,19% (tính trên tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

img

Các đại biểu Quốc hội nhấn nút thông qua Nghị quyết

Năm 2022 chưa thực hiện cải cách tiền lương

Theo Nghị quyết, dự toán tổng số thu NSNN năm 2022 là 1.411.700 tỉ đồng; tổng số chi NSNN là 1.784.600 tỉ đồng; mức bội chi ngân sách nhà nước là 372.900 tỉ đồng tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP); tổng mức vay của NSNN là 572.686 tỉ đồng.

Về thực hiện chính sách tiền lương, Nghị quyết nêu rõ, lùi thời điểm thực hiện cải cách chính sách tiền lương quy định tại khoản 3 Điều 4 của Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội; ưu tiên điều chỉnh lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1995. Trước đó, tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội đã quyết nghị việc tập trung nguồn lực để cải cách tiền lương từ 1/7/2022.

Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2022 cũng nêu rõ, tiếp tục thực hiện quy định về tạo nguồn cải cách chính sách tiền lương để tích lũy nguồn lực thực hiện cải cách chính sách tiền lương vào thời điểm phù hợp.

Tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tiền tệ để phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các luật thuế và các quy định liên quan để mở rộng cơ sở thu, chống xói mòn nguồn thu, bao quát khu vực kinh tế phi chính thức, các hoạt động thương mại điện tử.

Chính phủ cần đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế - xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý, sử dụng tài chính, ngân sách; điều hành chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả để dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, phục hồi kinh tế và dự phòng cho các trường hợp bất khả kháng, khắc phục hậu quả thiên tai.

Quốc hội cũng giao Chính phủ cắt giảm các khoản chi chưa thật sự cần thiết, tiết kiệm triệt để chi thường xuyên; giảm mạnh kinh phí tổ chức lễ kỷ niệm, hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài.

Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, khắc phục hạn chế trong chậm triển khai thực hiện dự án đầu tư công, chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng còn lại của năm 2021; việc chuyển nguồn vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022 phải tuân thủ Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, trường hợp bất khả kháng, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Thông qua một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển 4 tỉnh, thành phố

Cũng trong sáng 13/11, Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An với 6 cơ chế, chính sách và tỉnh Thanh Hóa với 8 cơ chế, chính sách.

Nghị quyết quy định tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; thành phố Hải Phòng, tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh, thành phố được hưởng theo phân cấp.

Đối với thành phố Hải Phòng, hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách thành phố không quá 70% số tăng thu ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Tỉnh Thừa Thiên - Huế, tỉnh Nghệ An hằng năm, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu của hàng hóa xuất, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho tỉnh không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao nhưng không vượt quá số tăng thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu qua Cảng biển Nghi Sơn so với thực hiện năm trước và ngân sách trung ương không hụt thu.

Trên địa bàn thành phố Hải phòng và tỉnh Thanh Hóa, HĐND thành phố Hải Phòng và HĐND tỉnh Thanh Hóa quyết định áp dụng trên địa bàn các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí. Ngân sách thành phố, tỉnh được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí.

Cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản Huế để bổ sung nguồn lực phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế. Quỹ Bảo tồn di sản Huế là Quỹ quốc gia được Chính phủ thành lập và giao cho tỉnh Thừa Thiên - Huế trực tiếp quản lý.

Trên cơ sở đồ án quy hoạch xây dựng khu chức năng, quy hoạch đô thị trên địa bàn thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố này thực hiện phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị theo trình tự, thủ tục do Thủ tướng Chính phủ quy định và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Các nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 và được thực hiện trong 5 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.