Thời sự

Quốc hội bế mạc: Dấu ấn công tác nhân sự

12/04/2016, 07:02

Hôm nay (12/4), Kỳ họp thứ 11- kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII sẽ bế mạc.

6

Ông Lê Nam (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa)

Hôm nay (12/4), Kỳ họp thứ 11- kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII sẽ bế mạc. Trao đổi với Báo Giao thông bên hành lang Quốc hội, nhiều ĐBQH ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà kỳ họp đã đạt được, đặc biệt trong công tác nhân sự.

Ông Lê Nam (Phó trưởng Đoàn ĐBQH Thanh Hóa):

Nói hết tâm tư, mong đợi của cử tri

Kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII đã hoàn thành toàn bộ chương trình nội dung đề ra. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội mới đã điều hành kỳ họp rất ấn tượng.

Cử tri cũng rất hoan nghênh khi đây là kỳ họp mà các ĐBQH "dốc hết những lời gan ruột", đề cập đến những vấn đề trọng đại của đất nước, nói hết những tâm tư, bức xúc, mong đợi của cử tri gửi gắm cho nhiệm kỳ sau.

Nhiệm kỳ này cũng đã hoàn thành chương trình kiện toàn bộ máy nhân sự Nhà nước, mặc dù trước đó cũng có những băn khoăn. Phần lớn nhân sự Đảng giới thiệu đều được Quốc hội đồng thuận cao, tính dân chủ trong việc bầu chọn cũng được phát huy. Số phiếu cao, thấp cũng là thông tin cực kỳ quan trọng để đánh giá, theo dõi, giúp đỡ những đồng chí vừa được kiện toàn.

Kỳ họp này cũng lần đầu tiên các chức danh lãnh đạo chủ chốt tuyên thệ khi nhậm chức. Đây là nghi lễ rất ý nghĩa và trang trọng. Đó cũng là cam kết của những đồng chí đứng đầu đối với đất nước, với Quốc hội và cử tri. Bởi nhân dân không bao giờ quên những điều mà người đứng đầu Nhà nước đã tuyên thệ.

Tôi kỳ vọng nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV sẽ tốt hơn, vì ĐBQH chuyên trách nhiều hơn. Những người “ăn lương Quốc hội” toàn tâm, toàn ý phục vụ công tác chuyên trách, dành toàn bộ thời gian, tâm lực cho Quốc hội thì chắc chắn chất lượng ĐBQH cũng như chất lượng hoạt động Quốc hội ngày càng nâng cao.

7

ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình)

ĐB Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình):

Công tác nhân sự là dấu ấn của kỳ họp

Đây là kỳ họp có kết quả toàn diện về tất cả các mặt. Như việc xây dựng luật, đã xây dựng được cơ bản các Luật, giải quyết được những vướng mắc từ thực tiễn, cũng như đáp ứng nhu cầu hội nhập. Về giám sát, công tác này được tiến hành đồng đều, từ trong báo cáo của Chính phủ đến chất vấn trên nghị trường. Nhìn chung, công tác giám sát lần này đều hơn, nội dung đổi mới hơn. Tuy nhiên, còn một vấn đề là khi giám sát đã phát hiện ra nhưng việc theo dõi tổ chức thực hiện chưa được đầy đủ. Về quyết định những vấn đề lớn của đất nước, lần này Quốc hội quyết định dân chủ hơn, bàn kỹ lưỡng hơn.

Sau sự sắp xếp nhân sự của Đảng, Quốc hội lần này đã triển khai vấn đề nhân sự đều hơn, phối hợp nhịp nhàng hơn. Toàn bộ hệ thống tổ chức của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội được phê chuẩn tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đặc biệt, cách làm nhân sự cũng dân chủ hơn, thận trọng hơn, đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp hơn. Nhìn chung, yêu cầu cơ bản được đáp ứng, chất lượng nhân sự tốt, kế tiếp được Nghị quyết của Đại hội Đảng. Nhân sự của Quốc hội lần này đã tạo nên được dấu ấn mới, cách làm mới, sẽ tạo cơ sở cho Quốc hội khóa XIV hoạt động tốt hơn, hiệu quả hơn.

8

Ông Nguyễn Anh Sơn (Trưởng đoàn ĐBQH Nam Định)

Ông Nguyễn Anh Sơn (Trưởng đoàn ĐBQH Nam Định):

Lấy phiếu tín nhiệm là bước đột phá

Việc lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh Quốc hội bầu, phê chuẩn rất có ý nghĩa, là điểm rất đột phá. Hiến pháp năm 1946 đã quy định về phiếu tín nhiệm nhưng tới nhiệm kỳ lần này chúng ta mới lần đầu tiên triển khai trên thực tế và triển khai 2 lần. Việc lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá cụ thể các thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành một mặt phản ánh đúng thực tiễn, mặt khác cũng cho thấy lĩnh vực nào còn hạn chế do số phiếu tín nhiệm thấp.

Việc công bố kết quả hai lần lấy phiếu tín nhiệm không chỉ thể hiện quan điểm đường lối của Đảng, mà còn thể hiện suy nghĩ của cử tri cả nước. Sau lần lấy phiếu thì sự chuyển biến đối với hoạt động trên các lĩnh vực đã rất rõ rệt. Đã có những sự bứt phá ngoạn mục ở một số tư lệnh ngành. Sau khi nhận được đánh giá chưa cao, họ đã có nỗ lực lớn để tạo ra chuyển biến chung, chuyển biến không chỉ với cá nhân tư lệnh ngành mà là cho cả lĩnh vực đó. Hy vọng hoạt động lấy phiếu tín nhiệm sẽ dần vào nề nếp, trở thành công cụ mạnh mẽ để Quốc hội với tư cách ĐB của dân tác động vào bộ máy Nhà nước theo chiều hướng tích cực.

Sau kỳ họp này, Quốc hội đã gần dân hơn, hoạt động của Quốc hội được cử tri nhân dân theo dõi sát sao hơn. Tôi chỉ còn băn khoăn về tiếng nói của Quốc hội xung quanh việc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề cần giải quyết tốt hơn trong nhiệm kỳ mới như quốc nạn tham nhũng, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội... Kỳ này chúng ta đã giải quyết phần nào nhưng chưa tạo ra sự chuyển biến, vẫn còn “nợ” cử tri.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.