Xã hội

Quốc hội có công khai ĐBQH bấm nút thông qua Luật An ninh mạng?

15/06/2018, 16:34

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc trả lời câu hỏi này tại buổi họp báo công bố kết quả kỳ họp QH chiều nay.

nguyen-hanh-phu

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc

Tại cuộc họp báo công bố kết quả kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XIV chiều 15/6, báo chí đặt nhiều câu hỏi cho Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và những người chủ trì họp báo về một số nội dung nhận được nhiều quan tâm tại kỳ họp Quốc hội vừa qua.

Trong Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 nêu rõ Quốc hội đồng ý lùi thời gian xem xét thông qua dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và giao cơ quan liên quan tiếp thu tối đa ý kiến chính đáng để hoàn thiện luật, trình Quốc hội vào kỳ họp sau. Xin ông cho biết cách lấy ý kiến sẽ được tiến hành như thế nào, có thực hiện như Luật Đất đai hay không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Dự thảo luật qua thảo luận còn ý kiến khác nhau của các đại biểu. Đồng thời, cử tri, nhân dân, chuyên gia, nhà khoa học cũng có nhiều ý kiến tham gia.  Do đó, Quốc hội đã quyết định lùi thông qua luật để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện dự luật và tới đây sẽ tiếp tục rà soát.

(Liên quan đến việc tiếp thu ý kiến, Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng chưa đến mức tổ chức lấy ý kiến nhân dân như Luật Đất đai mà có thể tiếp thu toàn bộ ý kiến phản ánh vừa qua cũng đã phù hợp).

Từ sự việc ở Bình Thuận, Khánh Hoà, nhiều người nhắc đến sự cần thiết của Luật biểu tình, Luật hội - đã có trong chương trình xây dựng Luật rất lâu nhưng mãi chưa được đưa vào chương trình nghị sự. Bao giờ Quốc hội bàn về Luật biểu tình đã được nhắc đến từ 2005?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Về Luật biểu tình, chúng tôi rất quan tâm. Hiện nay Chính phủ đang tích cực chuẩn bị, khi nào Chính phủ hoàn thiện thì báo cáo Quốc hội cho ý kiến.

Sau khi luật an ninh mạng được thông qua, Hiệp hội các cơ quan internet của Châu Á mà Facebook, Google là thành viên nói là thất vọng vì thông qua luật này. Xin hỏi ông Nguyễn Thanh Hồng - thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh có ý kiến thế nào về việc này? Việc này có ảnh hưởng tới chi phí, lợi ích của doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Thanh Hồng: Các Tập đoàn này chưa có phản hồi chính thức nào tới Chính phủ khi chúng ta thông qua Luật An ninh mạng.

Trên cộng đồng mạng thì đại diện Facebook đã có ý kiến sẽ nghiên cứu để triển khai nội dung quy định của luật này. Xung quanh nội dung doanh nghiệp quan tâm, trong Luật An ninh mạng có 2 vấn đề chính là yêu cầu đặt văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu của người dùng tại Việt Nam, vấn đề này còn ý kiến khác nhau giữa nhiều quốc gia trên thế giới.

Theo báo cáo kiểm tra của Uỷ ban Quốc phòng an ninh, hiện nay có 18 quốc gia yêu cầu nhà cung cấp mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu tại quốc gia đó. Tháng 5 vừa rồi, Liên minh Châu âu cũng yêu cầu Facebook hoạt động tại đâu phải lưu trữ dữ liệu tại quốc gia đó, đó là yêu cầu vì lợi ích quốc gia.

Luật An ninh mạng thông qua lần này chỉ yêu cầu lưu trữ dữ liệu của người dùng Việt Nam tại Việt Nam, tức là chỉ có một số thông tin người dùng.

Theo Hiến pháp, đây là quyền liên thông và được pháp luật bảo hộ, là tài sản của Việt Nam. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có trách nhiệm bảo vệ bí mật người dùng tại Việt Nam.

nguyen-thanh-hong

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Thanh Hồng

Ở Indonesia cũng có quy định tương tự nhưng doanh nghiệp không thực hiện, Việt Nam làm sao để doanh nghiệp thi hành Luật An ninh mạng?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Nghị định 72/2013 của Chính phủ đã được thực hiện rồi. Thị trường 90 triệu dân rất quan tâm dịch vụ của các nhà mạng, đây là kho tài nguyên, dữ liệu của người Việt Nam, anh không thể mang ra ngoài lãnh thổ Việt Nam được. Quy định này không phải mới, nhưng rất cần tuyên truyền, giải thích để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ.

Ông Nguyễn Thanh Hồng: Theo tôi biết thì Indonesia đang sửa luật theo Việt Nam chúng ta. Chúng tôi cũng nghiên cứu dự thảo luật của Indonesia, nhiều đại biểu Quốc hội cũng nhận được dự thảo luật này, hoàn toàn dự thảo luật chúng tôi có trong tay lại đi theo hướng luật của Việt Nam chứ không phải theo bạn phóng viên vừa nói.

Luật An ninh mạng quy định không được đăng tải thông tin mang tính chống đối nhà nước, có phải nhắm đến đối tượng chống đối nhà nước hay không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Điều 16 trong Luật An ninh mạng quy định các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến an ninh quốc gia, nếu không vi phạm an ninh quốc gia thì không có vấn đề gì. Liên quan đến an ninh quốc gia thì phải cấm. Ở các nước khác cũng vậy, chống lại nhà nước thì đương nhiên phải ngăn chặn.

Có ý kiến đề nghị Quốc hội công bố tất cả danh tính những đại biểu đồng ý và không đồng ý thông qua luật an ninh mạng?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Quốc hội Việt Nam thực hiện biểu quyết công khai kết quả nhưng không công bố danh tính. Hiện nay, các Quốc hội trên thế giới có khoảng 1/4 công bố danh tính, còn lại 3/4 không công bố danh tính.

Vừa qua, tôi tham gia vào hiệp hội Tổng thư ký thế giới, tôi có hỏi thì họ nói tổng số 283 nghị viện thế giới chỉ có 70 nghị viện biểu quyết có danh, còn lại không có danh. Hình thức nào cũng có tích cực và không tích cực.

Tại kỳ họp vừa qua, ĐBQH Dương Trung Quốc cũng đề nghị có thêm hình thức biểu quyết có danh, chúng tôi cũng xin ý kiến về việc này, nhưng trong quá trình sửa nội quy kỳ họp, các ĐBQH vẫn đề nghị thực hiện như bây giờ, đây là nội quy kỳ họp của Quốc hội rồi.

Dự án Sào Khê, Ninh Bình đội vốn lên 36 lần, ĐBQH thảo luận tranh luận nhiều, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng trả lời về dự án này. Xin Tổng thư ký Quốc hội cho biết quan điểm về dự án này và dự án đội vốn liên quan?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Đây là dự án nạo vét sông Sào Khê liên quan đến Tràng An, cố đô Hoa Lư. Dự án này lúc đầu phê duyệt có 72 tỷ, sau đó qua 4 lần điều chỉnh nguồn vốn đã tăng lên rất nhiều.

Các cơ quan kiểm toán, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc xem xét, kiểm tra, kiểm toán các nội dung này. Nghe thì giật mình, nhưng tôi xem báo cáo cũng thấy vì điều chỉnh mục tiêu nên vốn tăng lên, không có gì đặc biệt cả.

Bí thư tỉnh Ninh Bình cũng nói do “vốn nở ra”, khi xem lại thì thấy có cơ sở, Thủ Tướng chính phủ cũng có quyết định điều chỉnh nguồn vốn này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.