Sáng nay (12/11), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Dự kiến chiều 26/11, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quan trọng quốc gia này.
Trước đó, chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình đã trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. Ngay sau đó, các ĐBQH làm việc tại tổ, cho ý kiến vào báo cáo này.
Một trong những điểm đáng chú ý nhất trong báo cáo của Chính phủ là đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) là nhà đầu tư - khai thác cảng đầu tư, sau đó cho các cơ quan quản lý Nhà nước thuê lại hạng mục các công trình trụ sở cơ quan quản lý Nhà nước. ACV cũng sẽ trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp các công trình thiết yếu của cảng hàng không.
Đối với các công trình dịch vụ, ACV được giao hợp tác đầu tư, nhượng quyền đầu tư, khai thác hoặc xã hội hóa đầu tư. Hình thức đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư. Riêng hạng mục các công trình phục vụ quản lý bay, Tổng công ty Quản lý bay VN (VATM) được giao trực tiếp đầu tư bằng vốn của doanh nghiệp.
Phát biểu trong phiên thảo luận tại Tổ ngay sau đó về dự án này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã làm rõ hơn về đề xuất trên. “Hiện Chính phủ mới chỉ giao ACV lập dự án. Về nguyên tắc, sau khi dự án được duyệt sẽ đến bước chọn ai là người triển khai dự án. Đây là dự án xây dựng cảng hàng không mới nên theo quy định của Luật Đấu thầu, phải thực hiện đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Ngoài ra, do đây là sân bay gắn liền với an ninh quốc gia nên chỉ có thể đấu thầu trong nước”, Bộ trưởng nói và thông tin thêm, theo Luật Đấu thầu, sau khi phát hành hồ sơ mời thầu, sẽ cần thời gian cho doanh nghiệp nghiên cứu, quyết định tham gia. Tiếp đó là khâu chấm thầu, công bố trúng thầu.
Cũng theo Luật Đấu thầu, phải có từ 3 doanh nghiệp mới mở thầu. Dưới 3 doanh nghiệp thì sẽ phải xin Chính phủ cơ chế mở thầu đặc biệt trong trường hợp đấu thầu không thành công. Trong trường hợp này, Chính phủ có thể cho đấu thầu lần 2, nhưng nếu vẫn không đủ 3 doanh nghiệp thì vẫn phải xin mở thầu.
Đáng nói, ngoài ACV, khó có đơn vị nào đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm, đáp ứng các yêu cầu về quốc phòng an ninh và lợi ích quốc gia đối với một Cảng hàng không quốc tế cửa ngõ, quan trọng quốc gia như Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
“Chúng ta tổ chức đấu thầu, khả năng lớn nhất vẫn là ACV trúng thầu nhưng sẽ lại chậm hơn 1,5 năm. Khi đó, sớm nhất cũng phải tới năm 2022 thậm chí năm 2023 mới có thể khởi công”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, chỉ có chỉ định thầu mới có thể khởi công dự án vào đầu 2021.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế - cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra dự án cho hay, trong số 4 vấn đề Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét quyết định (hình thức đầu tư, tăng diện tích đất sử dụng trong giai đoạn 1 của dự án thêm gần 700 ha, vấn đề 480ha đất dùng chung với quốc phòng, bổ sung 2 tuyến đường kết nối sân bay với QL51 và cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây), vấn đề gây nhiều băn khoăn nhất là đề xuất Quốc hội quyết định việc giao ACV đầu tư dự án. Cụ thể, trong số 4 hạng mục triển khai tại dự án, có 3 hạng mục được giao ACV, một hạng mục giao Tổng công ty Quản lý bay (doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước).
“ACV có 95% vốn Nhà nước, về nguyên tắc vẫn là công ty cổ phần. Như vậy, việc quyết định giao dự án sẽ thực hiện theo Điều 22, Luật Đấu thầu. Như thế thì thẩm quyền quyết định hoàn toàn thuộc Chính phủ. Việc Quốc hội chỉ định thầu cho một doanh nghiệp cụ thể thực hiện một dự án đầu tư công, trước nay chưa từng có”, ông Thanh phân tích.
Mặc dù vậy, ông Thanh cũng khẳng định quan điểm ủng hộ. “Nếu xét về tiền, có lẽ không ít doanh nghiệp khác trong nước có nhiều hơn nhưng về kinh nghiệm quản lý, đầu tư lĩnh vực xây dựng cảng hàng không thì ACV chắc chắn chiếm ưu thế. Ý Thủ tướng khi đề xuất Quốc hội quyết định việc giao dự án cho ACV là mong Quốc hội đồng hành cùng Chính phủ, cùng chịu trách nhiệm với Chính phủ về quyết định này. Nếu không, 5 - 10 năm nữa, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương lại vào, xác định chỉ định thầu như thế là sai thì không biết sẽ làm sao. Đó là vấn đề còn băn khoăn nhiều nhất”, ông Thanh diễn giải.
Đề nghị các đại biểu cân nhắc, ủng hộ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu thực tế sân bay Tân Sơn Nhất đã tắc nghẽn hết cả, nếu không đầu tư một sân bay mới thì không còn hướng nào để thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn tiếp theo của đất nước, của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận