Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM): Cần có nguồn hỗ trợ đội tàu cho ngư dân |
Sáng nay, 23/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về báo cáo kinh tế - xã hội và quyết toán ngân sách.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân (TP HCM) nhìn nhận kinh tế đất nước cần đặt trong trạng thái động. “Phải ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô gắn với quốc phòng mà cụ thể QH cần có nghị quyết về nông nghiệp, liên quan đến nông dân, ngư dân để cải thiện đời sống của người dân” - ông Ngân đề nghị.
Đi vào vấn đề cụ thể, ông Ngân đề xuất đối với ngư dân, cần có nguồn hỗ trợ đội tàu cho ngư dân. Theo ông, trong 3 năm 2011-2013, Bộ Giao thông Vận tải tiết kiệm được 34.0000 tỉ đồng, nguồn này có thể đầu tư cho đội tàu. Bên cạnh đó, ngành dầu khí cũng cần sử dụng lợi tức, tiền cổ phần hóa tài trợ cho ngư dân bám biển, cần có mô hình đầu tư tàu thuyền cùng ngư dân bám biển.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH TP HCM Trần Du Lịch cho rằng nông nghiệp cần có chính sách mạnh, cụ thể là ngư nghiệp, đề nghị tập trung đóng tàu rồi cho ngư dân thuê. “Vinashin đang không có việc làm, đề nghị đóng tàu sắt, cho ngư dân thuê. Đội tàu gỗ của ngư dân bám biển cần có tàu sắt thu mua sản phẩm và chở về đất liền tiêu thụ. Cần có bàn tay ngân sách nhà nước” - ông Lịch hiến kế.
Để có thêm nguồn đầu tư cho đội tàu ngư dân, ĐB Trần Du Lịch gay gắt nói: “Đi gặp QH nhiều nước họ nói muốn đoàn ăn cơm nhưng không thể vì không có kế hoạch nên không có nguồn. Trong khi mình mời cơm thoải mái. Rồi cán bộ công chức đi nước ngoài nhiều quá, đại sứ cũng như các nước sợ luôn. Tôi đề nghị cắt hết, tình hình khó khăn thế này, QH phải quyết liệt”.
Mở đầu phần phát biểu, ĐB Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) bộc bạch: “Tôi thấy có câu nói rất hay “là người quân tử phải lường hết những điều có thể xảy ra và người anh hùng phải sẵn sàng trong mọi tình huống”. Ông Đương kêu gọi: “Vấn đề Biển Đông diễn biến còn phức tạp và tình huống xấu nhất buộc chúng ta phải tự vệ. Thì vấn đề đặt ra ngân sách quốc phòng, để chủ động và tự vệ một cách chính xác để giành thắng lợi. Đã đến lúc chúng ta phải thực hiện thắt lưng buộc bụng”.
Ông Đương kiến nghị cần xem lại việc thắt chặt phân bổ ngân sách, tạm dừng lại các công trình không cấp thiết như nạo vét sông Hậu tiêu tốn tới 5.000 tỉ đồng. Ông Đương đồng tình với ông Trần Du Lịch cần dành cơ chế, nguồn vốn để ngư dân có tàu, được thuê tàu lớn, hiện đại để nâng chất lượng sản phẩm.
Phát biểu nghẹn ngào lẫn trong nước mắt, Chủ tịch HĐND TP HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói thẳng: “Phải siết chặt ngân sách. Tôi đồng tình ông Lịch và hợp lòng dân là chúng ta đóng tàu cho ngư dân bám biển, hỗ trợ xăng dầu, lương thực.. Trong giai đoạn này là như vậy. Vì ngư dân chính là người bảo vệ chủ quyền hữu hiệu nhất”.
Về chi tiêu ngân sách, bà Tâm đồng tình Uỷ ban Tài chính - Ngân sách thông qua báo cáo quyết toán nhưng đề nghị Chính phủ cần làm rõ nhiều vấn đề vẫn tái diễn nhiều lần như chi thường xuyên, chi sai chế độ. Cần làm rõ nguyên nhân làm sao chi sai chế độ. Có hai hướng, một là chế độ quá lỗi thời nên phải “lách” nên cần sửa luật, hai là chi sai chế độ thì có xử lý không. “Biết chi sai vẫn cứ quyết toán vì cho rằng luật không đúng. Cứ duy trì mãi thói quen là “cứ phê bình rồi rút kinh nghiệm” - bà Tâm nói.
Dốc ruột gan về tình hình đất nước, bà Tâm bộc bạch: “Tôi đề nghị thế này, mọi người đừng nghĩ là “giản đơn”, đó là cần tuyên truyền cho cán bộ, công chức về tiền ngân sách ở đâu mà có để chi tiêu có ý thức. Chứ lâu nay ở đâu cũng hay dùng câu vô cảm phổ biến “tiền Nhà nước là phải tiêu cho hết, không xài lãng phí””.
Bà Ngân bức xúc về việc không chỉ đi nước ngoài, hội thảo nhiều không kể, làm gấp, mua để đó cũng được, hội thảo in tài liệu vô tội vạ. “Tiền ngân sách là từng đồng chắt chiu của người dân nộp vào phải làm cho cán bộ công chức hiểu cho rõ. Kể cả có dự toán mà thấy không hợp lý thì cũng đừng chi chứ không phải là chi cho hết” - bà Tâm bộc bạch.
Tán đồng, ĐB Đặng Thành Tâm (TP HCM) nói: “QH cần ra lời hiệu triệu yêu nước bằng “thực hành tiết kiệm” trong tình hình hiện nay”.
Theo NLĐ
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận