Xã hội

Quốc hội sẽ giám sát tối cao về phòng, chống xâm hại trẻ em

03/06/2019, 11:35

Với đa số ĐB tán thành, Quốc hội thống nhất thực hiện chuyên đề giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

img
ĐBQH Lê Thanh Vân phát biểu tại phiên thảo luận

Sáng 3/6, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày trước Quốc hội tờ trình dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, năm 2020, tại kỳ họp cuối năm của năm cuối nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát lại việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề trong cả nhiệm kỳ.

Tính đến ngày 23/3, Tổng thư ký Quốc hội đã nhận được văn bản trả lời của 77 cơ quan với 183 nội dung kiến nghị, đề xuất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định một trong hai chuyên đề giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; và việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.

Điều hành phiên họp sáng 3/6, Phó chủ tịch Đỗ Bá Tỵ đề nghị các đại biểu Quốc hội lựa chọn nội dung chuyên đề giám sát bằng hình thức biểu quyết qua hệ thống điện tử.

383/426 đại biểu tán thành chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em (chiếm 79,13% tổng số đại biểu Quốc hội).

Thảo luận tại hội trường về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020, ĐBQH biểu Nguyễn Thanh Hồng - Ủy viên Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội đồng tình với sự cần thiết phải giám sát về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em.

img
Camera an ninh ghi lại hình ảnh Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó viện trưởng Viện KSND TP. Đà Nẵng sàm sỡ bé gái trong thang máy

Góp ý về cách thức tổ chức thực hiện giám sát, ông Hồng cho rằng cần nâng cao tính chuyên nghiệp trong hoạt động giám sát, tránh tình trạng có quá nhiều đoàn giám sát xuống địa phương, tạo sự chồng chéo.

“Khi chúng tôi xuống Hà Nội giám sát về phòng cháy chữa cháy thì cùng một lúc có tới 3 – 4 đoàn giám sát xuống”, ông Hồng nêu thực tế và cho rằng nên có sự điều phối giữa các Ủy ban của Quốc hội. Cũng theo ông Hồng, các đoàn giám sát cần có chương trình truyền thông khoa học, có tính toán kỹ lưỡng, vừa truyền thông những vấn đề trái chiều song cũng cần định hướng dư luận.

Cho rằng các đoàn giám sát của Quốc hội nên hết sức gọn nhẹ, khoa học và đúng thành phần, ông Hồng cho rằng không nên tổ chức những đoàn giám sát với quy mô lớn cùng nhiều đoàn xe, còi ủ...

Góp ý về phương thức và hoạt động giám sát của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Tài chính- ngân sách Lê Thanh Vân cho rằng, việc thâm nhập hiện trường, đối tượng tác động của chính sách pháp luật còn hạn chế.

“Tôi đã tham gia một số đoàn giám sát của Quốc hội, cơ bản chúng ta vẫn lắng nghe báo cáo của các cơ quan chịu sự giám sát thay vì phải đi hiện trường để kiểm tra việc thực thi chính sách pháp luật trên thực tiễn, để so sánh giữa pháp luật với cuộc sống có độ vênh như thế nào, vi phạm ra sao”, ông Vân nêu thực tế.

Đáng lưu ý, theo ông Vân, việc huy động các chuyên gia, các phương tiện, thậm chí trưng cầu giám định để làm rõ các vấn đề nghi vấn của ĐBQH đưa ra để đánh giá tính chính xác diễn biến thực tiễn trong thực thi chính sách pháp luật còn yếu.

“Khi xem xét tác động của chính sách pháp luật với đất đai đô thị, các thành viên đoàn giám sát chỉ tiếp cận báo cáo, còn những vấn đề chuyên sâu trong đánh giá về khung giá đất cần thiết phải trưng dụng chuyên gia chuyên ngành bên ngoài để giám sát còn hạn chế”, ông Vân chỉ rõ.

Trong khi đó, Phó trưởng ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh cần chú ý khâu hậu giám sát, bởi nếu không chỉ rõ trách nhiệm thì rất khó đánh giá hiệu quả của giám sát, đặc biệt không xử lý được cá nhân liên quan.

Ông cũng đề nghị cần phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát của Quốc hội với hoạt động của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, vì trong giám sát có trách nhiệm của cán bộ công chức, lãnh đạo cơ quan đảng, chính quyền địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.