Thời sự

Quốc hội sẽ tăng thời gian thảo luận tại hội trường

07/10/2016, 07:05

Tiếp tục phiên họp thứ tư của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 6/10, các đại biểu cho ý kiến vào nội dung...

5

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Làm việc đến đêm nếu cần

Trình bày Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 2, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, dự kiến sẽ tăng thời gian thảo luận tại hội trường về KT-XH từ 1 ngày lên 1,5 ngày; Bố trí muộn hơn thảo luận ở tổ các nội dung về KT-XH, tài chính, ngân sách để ĐBQH có thời gian nghiên cứu tài liệu; Bố trí Quốc hội làm việc thêm một ngày thứ bảy. Như vậy, dự kiến thời gian tiến hành kỳ họp là 24 ngày làm việc, trong đó Quốc hội làm việc 2 ngày thứ Bảy và dự kiến bế mạc vào ngày 19/11.

Theo dự kiến chương trình, Kỳ họp thứ 2 sẽ khai mạc vào ngày 20/10 và bế mạc vào ngày 19/11. Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật về hội; Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Luật Đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; Cho ý kiến 12 dự án luật. Ngoài ra, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2016; Kế hoạch năm 2017... và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác. Đặc biệt, kỳ họp cũng sẽ dành thời gian cho ý kiến vào báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường liên quan đến Formosa và báo cáo về tình hình biển Đông.

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất trong các phiên thảo luận tại hội trường, nên cho thảo luận đến khi hết ý kiến chứ không phải hết thời gian rồi nghỉ. “Tại các kỳ trước, ĐBQH phải nhanh tay bấm nút đăng ký thì may ra mới được phát biểu, có những ĐB đăng ký vài lần không được phát biểu vì không đến lượt. Vì thế lần này chúng ta nên thay đổi, cho thảo luận đến khi hết ý kiến, tối thì để ĐBQH nghỉ ăn tối rồi thảo luận tiếp. Nhiều nước trên thế giới ĐB còn làm việc đến đêm được, nên chúng ta cũng cần nghiên cứu để các ĐB được nói hết”, ông Hiển nêu ý kiến.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ lại nêu quan điểm, phiên thảo luận nên tuân thủ đúng thời gian, nếu muốn kéo dài thì kéo dài hẳn thêm 1, 2 ngày. Bởi nếu thảo luận đến hết thì không biết bao giờ hết được, trong khi đó ĐBQH có rất nhiều tài liệu cần nghiên cứu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng chia sẻ: “Tôi điều hành nhiều phiên họp nên biết, mỗi phiên thảo luận mà gần hết giờ, những người chưa đến lượt phát biểu đều rất tha thiết có thêm thời gian để nói, nhưng chỉ cần kéo dài thêm 5 phút thôi, thì nhiều người khác cũng khó chịu vì họ đang nhấp nhổm về!”. Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng có thể nghiên cứu việc kéo dài thêm thời gian làm việc của các phiên thảo luận vào các buổi chiều. “Quốc hội các nước làm rất muộn, nhưng họ khác chúng ta. Ở nước họ, ai nói cứ nói, ai phát biểu cứ phát biểu, còn anh không thích nghe thì anh đi ra ngoài. Còn ở ta thì các ĐBQH phải ngồi nghe vì liên quan đến việc điểm danh nên không thể bỏ ra ngoài được”, Chủ tịch Quốc hội nói và lưu ý thêm, phải tính cả thời gian nghiên cứu tài liệu. Thông thường không ngày nào ĐB được ngủ trước 12h đêm, 8h tối tài liệu vẫn còn gửi đến nên phải dành thời gian nghiên cứu, và đó cũng là thời gian làm việc nên phải có cái nhìn công bằng.

Trình luật chậm do các Bộ làm không đến nơi đến chốn

Sáng cùng ngày, Chính phủ trình Thường vụ Quốc hội dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thẩm tra sơ bộ dự án luật, đồng ý về sự cần thiết song Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, ngày 29/9, Ủy ban này mới nhận được hồ sơ trình dự án luật do Chính phủ gửi đến, chậm 15 ngày so với quy định. Báo cáo thẩm tra cũng phản ánh ý kiến cho rằng, những hạn chế nêu trong tờ trình của Chính phủ chưa đủ để được coi là nguyên nhân để ban hành luật mà chỉ cần sửa đổi, bổ sung Nghị định 56. Việc ban hành luật thậm chí còn làm trầm trọng hơn các vấn đề do dự thảo luật có nhiều quy định mang tính khuyến khích chung, khó thực hiện.

Theo Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển, dù Luật trình chậm như vậy nhưng dự án luật vẫn không tạo được sự đồng thuận của các bộ. Bộ Tư pháp là đơn vị chủ trì thẩm định có ý kiến là hầu hết các vướng mắc trong hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm ở khâu thực hiện chứ không phải do thiếu cơ chế hay do chưa có luật, vì thế Chính phủ có thể ban hành nghị định mà không cần ban hành luật. “Bộ Tài chính thì bác rất nhiều các điều kiện liên quan đến hỗ trợ về thuế nêu trong dự luật. Ngân hàng Nhà nước thì đề nghị bỏ các quy định hỗ trợ thông qua công cụ chính sách tiền tệ. Bộ Công thương lo đến khả năng bị kiện ra WTO nếu một số quy định tại dự thảo luật được áp dụng. Tôi chỉ trích ý kiến ba “ông” như thế thì đã có chuyện  rồi”, ông Hiển dẫn chứng.

Nhận trách nhiệm về sự chậm trễ trình dự án luật, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng thẳng thắn nêu lý do là các bộ, ngành liên quan thiếu trách nhiệm. Cụ thể, Bộ KH&ĐT đã thành lập ban soạn thảo, mời các bộ, ngành liên quan tham gia nhưng các bộ đều cử không đúng người tham dự, nay cử người này, mai cử người khác. Bộ trưởng Dũng cũng cho hay, tham dự và góp ý tại các cuộc họp thì hầu hết người đại diện các bộ chỉ “soi” xem có ảnh hưởng gì tới bộ mình, liên quan đến mình hay không, chứ không mang tư tưởng: Đây là vấn đề lớn của đất nước, nhu cầu bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp, và việc cần thiết phải xây dựng chính sách để khu vực doanh nghiệp này phát triển, sẽ là động lực cho sự phát triển đất nước.

“Cách làm luật của các bộ, ngành xưa nay không đến nơi đến chốn, thiếu trách nhiệm. Nên dù ban soạn thảo đã rất công phu soạn thảo bản dự thảo nhưng không ai cho ý kiến đóng góp. Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã phải họp rất nhiều cuộc để ra được bản dự thảo cuối cùng trình lên Thường vụ Quốc hội hôm nay”, ông Dũng giãi bày.

Chốt lại phần thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu ban soạn thảo hoàn thiện hồ sơ và trình lại cơ quan thường trực vào ngày 10/10 để kịp đưa vào chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2 của Quốc hội. Còn nếu không kịp thì sẽ phải lùi lại. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.