Cần thay đổi tư duy về cách vận hành Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh
Luật Điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua gồm 8 chương, 50 điều, quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh; quản lý nhà nước về điện ảnh với nhiều quy định mới.
Kết quả biểu quyết của Quốc hội thông qua Luật điện ảnh (sửa đổi)
Đáng chú ý, Quốc hội cũng thông qua việc thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Phía Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu xây dựng dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật điện ảnh nhằm đảm bảo tính khả thi và đảm bảo quy định về nguồn thu của quỹ.
Trả lời Báo Giao thông, đạo diễn Phan Đăng Di bày tỏ sự phấn khởi khi Quốc hội quyết tâm giữ lại Quỹ điện ảnh. Mặc dù, đây không phải là một sáng kiến, bởi Luật điện ảnh 2006 đã có quy định rõ ràng về Quỹ này rồi. Nhưng Quỹ vẫn từng được vận hành trong thực tế.
Theo nam đạo diễn, với quy định về Quỹ (trong Luật Điện ảnh sửa đổi vừa được thông qua) điều quan trọng chúng ta cần bàn không phải việc "Quỹ lấy tiền từ đâu?" mà nằm ở việc "Quỹ phải hoạt động theo mô hình nào, có thực sự giúp điện ảnh phát triển hay không?".
"Tôi thấy rằng, cần thay đổi tư duy trong vận hành Quỹ cũng như dùng tiền ngân sách cho văn hóa một cách đúng đắn, theo hướng dùng Quỹ để phát hiện, hỗ trợ tài năng, tìm ra con đường mới cho điện ảnh.
Điện ảnh có chức năng định hình văn hóa rất lớn và là con đường dễ nhất để quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Sở dĩ, nhiều người lo ngại sử dụng ngân sách để vận hành Quỹ sẽ không hiệu quả vì thời gian gần đây, tiền ngân sách hỗ trợ các hoạt động điện ảnh bị tiêu tốn mà không đem lại những kết quả cụ thể. Cái này là do tiêu chí phim hưởng đầu tư từ ngân sách phải là phim "phục vụ nhiệm vụ chính trị" đang được hiểu một cách cứng nhắc.
Đối với tôi, bất kỳ bộ phim nào có thể khiến nền điện ảnh của chúng ta được nhận diện trên thế giới hoặc được công chúng trong nước đón nhận, có giá trị về mặt nghệ thuật, đóng góp vào sự đa dạng văn hoá, mở rộng khả năng biểu đạt đều phục vụ nhiệm vụ chính trị, vì nền chính trị hiện đại của đất nước phải hướng đến những giá trị đó.
Với việc vận hành Quỹ, câu hỏi quan trọng ko phải là lấy tiền ở đâu để chạy, mà là phải thay đổi tư duy nhìn nhận tác phẩm nghệ thuật thế nào để Quỹ chọn được đúng người, đúng dự án trao tiền, từ đó làm ra được những bộ phim đến được các LHP lớn hoặc tạo ra được những nhà làm phim giỏi nghề...
Để đạt được mục đích đó, trước hết phải coi trọng sáng tạo, dù tất nhiên sáng tạo luôn gây tranh cãi, thậm chí trái chiều. Điều này đòi hỏi sự thấu hiểu, can đảm từ phía những người lãnh đạo cao nhất, đạo diễn "Bi, đừng sợ" bày tỏ.
Ngoài ra, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, để Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh được vận hành hiệu quả hơn, chúng ta có thể học hỏi từ mô hình của các nước có nền điện ảnh phát triển trên thế giới.
Nhà nước nên trao quyền quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định cho người trực tiếp vận hành quỹ. Nhà nước chỉ nên đóng vai trò cấp tiền và giám sát kết quả cuối cùng, không can thiệp vào chuyên môn của Hội đồng này.
Quản lý điện ảnh không nên là người gác cổng
Luật điện ảnh (sửa đổi) được thông qua cũng đề cập đến việc: Phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy phép phân loại phim khi đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; quy định Giấy phép phân loại phim do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp có giá trị trong toàn quốc.
Tuy nhiên, điều này khiến nhiều người băn khoăn, liệu đội ngũ kiểm duyệt phim tại các địa phương, nhất là những tỉnh, thành nhỏ có đủ nghiệp vụ để thực hiện vai trò này?
Đạo diễn Phan Đăng Di
Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, đây là quyết định sáng suốt phù hợp cách quản lý trong bối cảnh xã hội mới. Điều này giảm tải cho "cửa" duyệt duy nhất ở thời điểm hiện tại là Cục Điện ảnh, trong bối cảnh số lượng phim được sản xuất ngày càng nhiều.
Hơn nữa, Cục Điện ảnh không phải chỉ thực hiện nhiệm vụ kiểm duyệt phim. Nhiệm vụ quan trọng nhất của Cục Điện ảnh là tìm ra phương hướng, chính sách để phát triển nền điện ảnh nước nhà.
"Việc phân cấp quản lý như vậy vừa giúp giảm kinh phí cho nhà sản xuất vừa tạo điều kiện cho những người có chuyên môn tốt có cơ hội bày tỏ quan điểm khi đóng vai trò là thành viên trong hội đồng thẩm định.
Song song với đó, các địa phương nên phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình. Tất nhiên, để làm được điều đó cũng phải có bộ tiêu chí rõ ràng để bất kỳ ở địa phương nào cũng có thể áp dụng", đạo diễn Phan Đăng Di nói thêm.
Về tổng thể, đạo diễn Phan Đăng Di nhận định, Luật điện ảnh (sửa đổi) vừa có những cởi mở, nhưng vẫn giữ lại nhiều quan điểm thận trọng quá mức.
Nhưng anh hy vọng: "Từ đây, chúng ta nên nhìn nhận việc quản lý điện ảnh không nặng ở vai trò là người gác cổng nữa mà khơi nguồn cho các cơ hội, theo hướng thực sự "kiến tạo hát triển". Nếu không thay đổi Luật lần này chỉ là thay đổi nửa vời, không mang lại sự thay đổi quan trọng nào cho nền điện ảnh nước nhà".
Luật Điện ảnh (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận