Chiều nay (10/6), ngày thứ 3 đợt 2 Kỳ họp 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.
Theo đó, có 460 đại biểu Quốc hội tham gia bấm nút biểu quyết (đạt 95,24%), trong đó có 454 đại biểu bấm nút tán thành Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 (đạt 94%).
Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, có tổng số 449 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (đạt 94,62%), trong đó bấm nút tán thành là 449 (chiếm 92,96%), không tán thành 5 và không biểu quyết là 3 ý kiến.
Với Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, có tổng số 460 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết (đạt 95,24%), trong đó bấm nút tán thành là 456 (chiếm 94,41%), không tán thành 3 và không biểu quyết là 1 ý kiến.
Theo Tờ trình của Chính phủ về Nghị quyết về kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, tổng số thuế sử dụng đất nông nghiệp miễn, giảm giai đoạn 2003-2010 trung bình khoảng 3.268,5 tỷ đồng/năm; giai đoạn từ 2011-2016 trung bình khoảng 6.308,3 tỷ đồng/năm; giai đoạn 2017-2018 và dự kiến đến hết năm 2020 khoảng 7.438,5 tỷ đồng/năm.
Khi Nghị quyết được thông qua, thực hiện, với số thuế sử dụng đất nông nghiệp được miễn khoảng 7.500 tỷ đồng/năm sẽ tiếp tục là hình thức hỗ trợ trực tiếp cho tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp, là nguồn tài chính quan trọng đầu tư trực tiếp cho khu vực nông nghiệp, nông thôn để góp phần đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại hóa; qua đó góp phần giúp người nông dân cải thiện cuộc sống, góp phần động viên người nông dân yên tâm sản xuất, gắn bó với hoạt động sản xuất nông nghiệp, góp phần khuyến khích đầu tư, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển bền vững.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận