Sáng 6/5, tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, trả lời câu hỏi của PV Báo Giao thông về việc giải pháp khắc phục tình trạng ngập nặng trên QL13, ảnh hưởng đến giao thông đi lại của người dân, ông Nguyễn Thanh Thuận, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và ATGT, Sở GTVT tỉnh Bình Dương cho biết, tình trạng ngập úng thời gian qua ở Bình Dương có chiều hướng gia tăng có nhiều nguyên nhân.
Toàn cảnh buổi họp báo
Theo ông Thuận, Bình Dương là một trong những tỉnh thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, người dân xây dựng các công trình nhà cửa nhiều, diện tích đất tự thấm nước bị thu hẹp.
Thêm vào đó, việc thoát nước của hệ thống cống dọc bị quá tải. Nhiều tuyến đường như DT743, QL13 do các dự án đang thi công nên ảnh hưởng đến dòng chảy, việc san lấp hạ lưu cộng với triều cường, nhiều hộ dân bịt hố ga để ngăn mùi hôi… Trong khi đó, các đơn vị quản lý đường bộ cũng chưa thực sự quan tâm để khơi thông dòng chảy.
Theo ông Thuận, khắc phục vấn đề ngập nước tại Bình Dương thì giải pháp công trình là chính. “Sở sẽ cùng với các sở, ngành liên quan nghiên cứu quy hoạch, đầu tư các công trình thoát nước của vùng. Cùng đó là việc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đôn đốc các đơn vị thi công…”, ông Thuận nói.
Ông Nguyễn Thanh Thuận, Trưởng phòng Quản lý kết cấu hạ tầng và ATGT, Sở GTVT tỉnh Bình Dương chia sẻ thông tin
Thông tin thêm về tình hình TNGT tại địa bàn tỉnh đầu năm đang tăng cao, ông Thuận cho hay, do mật độ phương tiện cao. Năm 2021 do đại dịch, số phương tiện tham gia giao thông thưa nên tai nạn giảm sâu. Tuy nhiên, năm 2022 quay lại trạng thái bình thường mới nên có sự gia tăng số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương nhưng so với cùng kỳ năm 2019 vẫn giảm.
Bất cập của hạ tầng hiện nay là có nhiều dự án đang triển khai thi công chậm, đặc biệt là tại các nút giao do vướng mặt bằng. Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền ý thức chấp hành, tăng cường chức năng quản lý, phối hợp tuần tra và xử lý vi phạm. Các đơn vị quản lý đường bộ cần rà soát, xử lý các bất cập phát sinh từ hạ tầng…
Về vấn nạn bán hàng rong trên tuyến Mỹ Phước Tân Vạn, ông Thuận cho biết, trách nhiệm thuộc về các địa phương, Sở sẽ chuyển kiến nghị của Báo Giao thông đến các địa phương có tuyến đường đi qua…
Cũng tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Tầm Dương, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong tháng 4/2022, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh này ước tăng 7,3% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 4 tháng năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5% so với cùng kỳ, trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 7,55%.
Về lĩnh vực thương mại - dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 đạt gần 22.700 tỷ đồng, tăng 3,7% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đạt hơn 88.630 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ.
Về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 đạt hơn 3,5 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước và tăng 22,7% so với cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2022 đạt gần 12,5 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ, thặng dư thương mại đạt 3,9 tỷ USD.
Về thu hút đầu tư, 4 tháng đầu năm, tỉnh Bình Dương đã thu hút 22.950 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước, hơn 2,3 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài.
Nhìn chung, từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang từng bước phục hồi, với sự khởi sắc của các thị trường xuất khẩu quan trọng của tỉnh như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan...
Các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Dương như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm bằng gỗ, máy móc thiết bị, giày dép, dệt may... có số lượng đơn hàng xuất khẩu mới. Nhiều doanh nghiệp tập trung tuyển dụng lao động với số lượng lớn, đưa ra nhiều giải pháp thu hút lao động để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận