Thời sự Quốc tế

Quốc tế đánh giá cao những ý tưởng, đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính

22/05/2023, 07:07

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng đã khép lại với nhiều ý nghĩa và kết quả quan trọng.

3 ngày, 40 hoạt động song phương, đa phương

Hội nghị thượng đỉnh (HNTĐ) G7 mở rộng diễn ra tại Hiroshima từ ngày 20-21/5 dưới sự chủ trì của Nhật Bản đã thành công tốt đẹp. Đây là lần thứ 3 Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng và là lần thứ hai theo lời mời của Nhật Bản.

Trong chưa đầy ba ngày, Thủ tướng đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động, gồm các phiên họp của hội nghị, các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Nhật Bản, các giới, doanh nghiệp, bạn bè Nhật Bản và các cuộc trao đổi, gặp gỡ với lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế.

Tại các phiên họp đa phương, chúng ta đã đóng góp những cách tiếp cận và giải pháp quan trọng từ góc độ một nước đang phát triển, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện.

img

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo đã chia sẻ quan điểm và đưa ra các giải pháp tạo thêm các động lực mới cho Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh 3 thông điệp quan trọng. Đó là thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu thực chất, hiệu quả hơn, đề cao đoàn kết quốc tế, kiên trì hợp tác đa phương là chìa khóa để giải quyết các thách thức chưa có tiền lệ như hiện nay.

Phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải và chuyển đổi năng lượng chỉ có thể thành công thông qua cách tiếp cận toàn cầu, toàn dân, bảo đảm cân bằng, hợp lý theo điều kiện, trình độ khác biệt giữa các nước.

Tinh thần thượng tôn pháp luật, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, giải quyết mọi tranh chấp bằng biện pháp hòa bình cần được đề cao và thực hiện bằng cam kết cụ thể.

Thủ tướng cũng đưa ra nhiều đề xuất thiết thực, phù hợp nhằm thúc đẩy hợp tác trong giải quyết các vấn đề chung của quốc tế và khu vực.

Những ý tưởng và đề xuất của Thủ tướng Chính phủ được các nhà Lãnh đạo các nước và các tổ chức quốc tế đánh giá cao, góp phần xây dựng cách tiếp cận cân bằng, tổng thể nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu.

Sự tham gia thực chất, trách nhiệm của Việt Nam cũng đã đóng góp quan trọng vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định, thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế, trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, phù hợp với quan tâm, lợi ích của các nước đang phát triển.

Nhật Bản ký 3 văn kiện trị giá 61 tỷ Yên để hồi phục, phát triển hậu Covid-19 tại Việt Nam

Về song phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có hàng chục cuộc tiếp xúc song phương trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn, chân thành với tất cả các nhà lãnh đạo G7, các nước khách mời, các tổ chức quốc tế để trao đổi các biện pháp cụ thể, thực chất thúc đẩy quan hệ song phương và tăng cường phối hợp trong các vấn đề cùng quan tâm.

Tại Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ đã có 13 cuộc làm việc với Thủ tướng Kishida Fumio và các Thống đốc, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Hiroshima, các nghị sỹ Quốc hội có khu vực bầu cử tại Hiroshima...

img

Cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio lần đầu tiên diễn ra tại Hiroshima, quê hương Thủ tướng Kishida (Ảnh: VGP)

Hai bên đã ký kết 3 văn kiện hợp tác ODA trị giá 61 tỷ Yên (khoảng 500 triệu USD) cho các dự án Chương trình ODA thế hệ mới cho phục hồi và phát triển kinh - xã hội hậu Covid-19, dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương, dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.

Lãnh đạo hai nước cũng nhất trí thúc đẩy khả năng Nhật Bản cung cấp ODA thế hệ mới với tính ưu đãi cao, thủ tục đơn giản, linh hoạt cho các dự án phát triển hạ tầng chiến lược quy mô lớn của Việt Nam.

Hai nhà lãnh đạo đã đạt nhận thức chung về việc thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực mới nhiều tiềm năng như chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng…

Thông qua tuyên bố hành động Hiroshima

Theo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, sau ba phiên họp “Cùng hợp tác xử lý đa khủng hoảng”, “Nỗ lực chung vì một hành tinh bền vững” và “Hướng đến một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng”, Hội nghị G7 mở rộng đã thông qua Tuyên bố hành động Hiroshima về an ninh lương thực tự cường toàn cầu.

Tuyên bố đề ra các nhóm giải pháp ứng phó với khủng hoảng lương thực trước mắt, nâng cao tính tự cường nhằm ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tương tự trong tương lai và bảo đảm dinh dưỡng cho mọi người dân.

Các Lãnh đạo nhất trí cần tạo các động lực mới nhằm thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.

Hội nghị hoan nghênh sáng kiến Đối tác cơ sở hạ tầng và đầu tư toàn cầu của G7 (PGII) và Sáng kiến Cộng đồng không phát thải châu Á (AZEC) của Nhật Bản; nhất trí đẩy mạnh các sáng kiến huy động nguồn tài chính cho phát triển, thúc đẩy hợp tác công – tư trong phát triển cơ sở hạ tầng.

Về các vấn đề hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới, các nhà Lãnh đạo nhất trí, trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cần đề cao chủ nghĩa đa phương, hợp tác quốc tế, giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân.

Các nước nhấn mạnh việc thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt Bộ quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.