Hơn 30 triệu người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19
Theo Uỷ ban này, đại dịch Covid-19 có tác động rất lớn tới kinh tế - xã hội của nước ta.
Năm 2020 đã có 101,7 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,9% so với năm 2019. Trung bình mỗi tháng có gần 8,5 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Quý II/2021 cho thấy, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19
Đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Chủ trì cuộc họp với đại diện các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành tại Nhà Quốc hội sáng nay (23/7), Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Quốc hội cần bày tỏ quan điểm về thực hiện các Kết luận, Chỉ thị của Bộ Chính trị, các Công điện của Thường trực Ban Bí thư và đồng hành với Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Chủ tịch Quốc hội thống nhất, Quốc hội sẽ không ban hành một Nghị quyết riêng về phòng, chống dịch Covid-19 nhưng giao các cơ quan triển khai, bổ sung vào chương trình Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV nội dung về phòng, chống dịch Covid-19 theo đề nghị của Chính phủ.
Chính phủ sẽ xây dựng Tờ trình, cơ quan của Quốc hội tiến hành thẩm tra để Quốc hội xem xét, thảo luận và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ Nhất, biểu quyết thông qua vào cuối kỳ họp.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội cần tập trung xử lý những vướng mắc về mặt pháp lý trong phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay, tạo sự chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong điều hành, kể cả dự phòng các tình huống phát sinh có thể phức tạp hơn.
Kết quả điều tra lao động việc làm quý II/2021 cho thấy, cả nước có 12,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, tăng thêm 3,7 triệu lao động rơi vào tình trạng bị ảnh hưởng tiêu cực.
“Dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới người dân, người lao động. Dịch bệnh đã bào mòn nguồn dự trữ, tích lũy của người lao động, đẩy người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn, khủng hoảng. Đối với doanh nghiệp, dịch bệnh đã tác động mạnh đến chuỗi sản xuất, kinh doanh, nguồn lực về lao động, đặc biệt đã tác động nặng nề tới chiến lược và phương hướng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Một số ngành như giao thông vận tải, hàng không, du lịch, khách sạn, giải trí, bán lẻ, văn hóa, thể thao bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi đà phục hồi của năm 2020 và sẽ chịu tác động mạnh mẽ hơn”, Uỷ ban Xã hội nhận định.
Cho biết nhiều chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 đã được ban hành và triển khai thực hiện từ những tháng đầu năm 2020 đến nay, Uỷ ban Xã hội nhấn mạnh: Điều này thể hiện tính ưu việt của chế độ và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kịp thời, trách nhiệm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Việc ban hành chính sách kịp thời nhằm góp phần khắc phục những khó khăn trong đời sống của nhân dân, người lao động và doanh nghiệp bị ảnh hưởng; Góp phần khôi phục và phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện “mục tiêu kép” trong bối cảnh khó khăn của đại dịch tác động đến tất cả mọi mặt của đời sống trong nước và trên toàn cầu.
Mặc dù vậy, Uỷ ban Xã hội đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 42 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 không đạt được như kỳ vọng khi số đối tượng thụ hưởng và tỷ lệ giải ngân thấp, chậm và không kịp thời. Nhóm đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn... chỉ nhận được 3,6% giải ngân từ gói hỗ trợ này.
Một số quy định để hướng dẫn thực hiện còn cứng nhắc, chưa sát với thực tế, một số quy định rất khó thực hiện, thậm chí làm các địa phương tốn kém thời gian, nguồn lực để triển khai thực hiện.
Mặc dù đã được khắc phục kịp thời, song tại một số địa phương vẫn để xảy ra số ít hiện tượng lợi dụng chính sách, lập danh sách trùng, danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo không đúng tiêu chí đối tượng.
Uỷ ban Xã hội cho rằng, nguyên nhân của tình trạng trên là do đại dịch Covid-19 và các tác động không chỉ đối với nước ta mà còn trên phạm vi toàn cầu, tác động đến tất cả mọi mặt của đời sống xã hội, người lao động, người dân và doanh nghiệp… nên việc ban hành các chính sách hỗ trợ trong thời gian ngắn khó có thể thực hiện việc nghiên cứu, đánh giá đầy đủ như mong muốn.
Hơn nữa, bối cảnh và chính sách đều chưa từng có tiền lệ, một số quy định pháp luật hiện hành cũng chưa bao quát hết được tình huống và quy mô khẩn cấp như đại dịch Covid-19 nên dẫn đến thời gian đầu còn lúng túng.
Cần tiêu chí hỗ trợ cụ thể, tránh tình trạng trục lợi chính sách
Trong thời gian tới, Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá toàn diện về các chính sách hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19 để đưa ra các dự báo, kịch bản, đề xuất phù hợp nhằm hỗ trợ hiệu quả, thuận lợi hơn, bảo đảm đúng mục tiêu, đối tượng.
Các chính sách cần tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó cần có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ và có điều kiện, tiêu chí cụ thể bảo đảm doanh nghiệp có thể tiếp cận thuận lợi; tránh hiện tượng trục lợi chính sách; ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp đang có đơn hàng sản xuất, kinh doanh tốt, có đóng góp trong phát triển kinh tế.
Đối với các hỗ trợ cho người dân, cần phải bảo đảm nguyên tắc hỗ trợ các đối tượng thực sự bị giảm sâu thu nhập, mất việc làm, thiếu việc làm, gặp khó khăn không bảo đảm mức sống tối thiểu do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch, giảm thiểu những phiền hà về thủ tục và quy trình tiếp cận. Đáng lưu ý, trong bối cảnh nguồn ngân sách hạn hẹp, có thể cân nhắc tạm thời chưa triển khai các chính sách hỗ trợ thêm đối với người đang hưởng các chế độ trợ cấp hàng tháng từ nguồn ngân sách nhà nước, trừ trường hợp đối tượng thuộc diện hộ nghèo, có nhiều khó khăn hoặc mức hưởng trợ cấp còn thấp.
Mục tiêu của chính sách hỗ trợ bảo đảm không để ai bị đói, thiếu ăn; bảo đảm việc công bằng trong hỗ trợ đối tượng, không để trùng lắp nguồn ngân sách nhà nước với các nguồn hỗ trợ khác…
Cùng đó, cần tiếp tục tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19 với các thông điệp về 5K + vaccine; truyền thông đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về các loại vắc xin được cấp phép sử dụng (từ khâu mua, nhập khẩu, nhận tài trợ, thông tin, hiệu quả, tác dụng phụ, ... của vaccine phòng Covid-19) và công tác tiêm phòng để không làm giảm sự tin tưởng của người dân, tránh để những thông tin sai lệch làm hoang mang dư luận; xử lý nghiêm các trường hợp thông tin sai lệch về vaccine Covid-19.
Ngày 1/7/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với 12 nhóm chính sách hỗ trợ.
Tính đến ngày 14/7/2021, đã có 33 địa phương báo cáo Kế hoạch hỗ trợ lao động theo Nghị quyết 68. Một số tỉnh, thành phố đã có kế hoạch triển khai cụ thể và có chính sách hỗ trợ dành riêng cho lao động tự do như: TP.HCM, Đồng Nai, Bắc Ninh, Bắc Giang, Bình Dương, Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu...
Tuy nhiên, vẫn còn địa phương triển khai tương đối chậm, trong khi nhiều địa phương đã bắt đầu chi trả tiền hỗ trợ Covid-19 cho người dân, thì cũng có địa phương mặc dù đã trải qua hai lần tạm dừng nhiều hoạt động kinh doanh, dịch vụ trong vòng một tháng qua chưa ban hành được kế hoạch thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận