Thị trường

Quỹ BOG "bốc tiền" từ túi lái xe tải cho tài xế đi Mercedes, BMW, Lexus...?

14/06/2022, 17:46

Theo chuyên gia, quỹ BOG xăng dầu đang “bốc tiền” từ túi lái xe tải, máy cày, máy tuốt lúa... bù cho người đi 4 chỗ như Mercedes, BMW, Lexus...

Trong tờ trình lên Chính phủ về dự thảo sử đổi Luật Giá, Bộ Tài chính đề xuất bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá.

Bộ Tài chính cho biết: “Hiện nay chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG), tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường”.

img

Giá xăng đã vượt 32.000 đồng/lít. Ảnh minh hoạ

Quỹ bình ổn: Cả người dân, doanh nghiệp đều không lợi

Về đề xuất này của Bộ Tài chính, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chia sẻ với Báo Giao thông rằng trước đây cũng đã xảy ra tranh cãi về việc bỏ hay giữ Quỹ BOG.

“Một số chuyên gia cùng cơ quan chức năng kiên quyết giữ quỹ nên mới có Nghị định 95 sửa Nghị định 83 và vẫn giữ nguyên Quỹ BOG”, ông Long nói.

"Các nước có quỹ tương tự Quỹ BOG như Việt Nam không? Không có, nhiều nước có quỹ bình ổn nhưng quỹ này được dùng để bảo trợ cho đối tượng yếu thế”, TS Ngô Trí Long

Đến nay, việc cơ quan chức năng đã đề xuất bỏ Quỹ BOG, theo PGS. TS Ngô Trí Long, về thực chất Quỹ BOG không còn tác dụng. Bởi với doanh nghiệp, tiền trích vào quỹ doanh nghiệp giữ nhưng không được dùng, mà chỉ được dùng để chi bù giá.

Nhưng khi giá tăng cao, xả hết quỹ rồi mà cơ quan quản lý vấn muốn chi thêm để bù giá thì quỹ sẽ thiếu. Khi quỹ thiếu, doanh nghiệp phải đi vay ngân hàng và sẽ bị tính chi phí lãi vay.

Còn đối với người tiêu dùng, với nguyên tắc ứng trước chi sau thì về bản chất cũng không có lợi. Thậm chí, nhiều lúc giá xăng dầu giảm người tiêu dùng cũng không được hưởng mức giá thấp.

Ở đây, theo PGS. TS Ngô Trí Long, dưới góc độ quản lý nhà nước, Quỹ BOG hỗ trợ cho việc kiểm soát lạm phát khi có một lượng tiền dự trữ nhất định để xả ra khi giá cao, từ đó làm bớt tác động tới việc tăng giá.

Phụ thuộc năng lực người điều hành

Cũng đồng tình với việc bỏ Quỹ BOG, trao đổi với Báo Giao thông PGS. TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế Vĩ mô, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho rằng về cơ bản Quỹ BOG không thể hạ được lạm phát vì không giảm được chi phí cho người dân mà chỉ có tác dụng bình ổn.

Bình ổn ở đây là nếu dự báo tốt, điều hành tốt thì có thể giảm khả năng giá xăng dầu tăng vọt bằng cách xả quỹ. Còn nếu giá xăng dầu giảm xuống thấp thì lúc ấy tăng mạnh trích quỹ.

"Còn nếu điều hành không tốt, lúc giá xăng chỉ có mười mấy nghìn ông lại đi xả quỹ, đến khi giá xăng dầu tăng mạnh thì hết quỹ, và lúc ấy lại đi trích quỹ thì lại càng bất ổn, đi ngược với mục đích của việc bình ổn giá", TS Phạm Thế Anh nói.

Tóm lại, muốn bình ổn được theo ông Phạm Thế Anh, phải có khả năng dự báo giá xăng dầu thế giới nhưng điều này là ngoài khả năng của người điều hành quỹ. Còn chi phí xăng dầu về trung và dài hạn là không thể hạ được vì không ai bỏ tiền để bù vào cả mà ở đây bản chất là người dân bỏ tiền ra trước, chi sau.

img

Nhiều chuyên gia đồng tình việc bỏ Quỹ BOG. Ảnh minh hoạ

Nhiều người tiêu dùng bị bất công

Nói về điều hành giá xăng dầu thời gian qua, PGS. TS Phạm Thế Anh phân tích, mặc dù giá các loại xăng dầu luôn có biến động cùng nhau (cùng tăng, cùng giảm) trong kỳ, nhưng không phải tất cả chúng đều phải trích nộp hay được xả quỹ cùng lúc.

“Ở đây họ không có tiêu chí nào cả, rất tuỳ hứng, tuỳ tiện. Việc trích nộp quỹ mặt hàng nào hay chi quỹ cho mặt hàng nào không có tiêu chí nào cả. Hay họ có tiêu chí mà họ không công khai. Cho nên việc trích và chi quỹ đối với những người quan sát bên ngoài thấy nó khá tuỳ tiện”, PGS. TS Phạm Thế Anh.

Trong cùng một kỳ, có loại xăng dầu phải trích nộp, có loại không; Có loại lại được xả quỹ thường xuyên hơn các loại khác.

Ông Phạm Thế Anh cũng cho biết, thống kê trong thời gian dài qua, mặt hàng dầu nộp quỹ nhiều, xăng lại được chi nhiều hơn.

Đơn cử, trong giai đoạn 1/1/2020 đến 1/4/2022, có tất cả 56 lần điều chỉnh giá thì xăng ERON92 có 43 lần được chi từ quỹ và chỉ có 13 lần phải trích nộp quỹ; Xăng RON95 có 33 lần được chi trong khi chỉ phải trích nộp 20 lần.

Ngược lại, các mặt hàng dầu diesel có 24 lần được chi trong khi có 32 lần phải trích nộp; Dầu hỏa có 21 lần được chi trong khi có 29 lần phải trích nộp.

Dầu mazut cũng có 20 lần được chi mà có tới 27 lần phải trích nộp, còn lại là những lần không có thay đổi.

Ông Phạm Thế Anh cũng thống kê, kể từ 1/1/2020 đến nay, trung bình xăng E5RON92 nhận được khoảng 781 đồng/lít chi từ quỹ; Xăng RON95 nhận được 106 đồng/lít.

Trong khi đó, dầu diesel lại phải trích nộp khoảng 132 đồng/lít; Dầu hỏa phải trích nộp 113 đồng/lít; Dầu mazut phải trích nộp khoảng 25 đồng/lít cho quỹ.

"Điều này có nghĩa là Quỹ BOG đang tái phân phối, hay “bốc tiền” từ túi những người lái xe tải, xe khách, lái máy cày, máy tuốt lúa, tàu thủy,... sang túi của những người đi bốn chỗ, mui trần, Mercedes, BMW, Lexus,…

Nếu lấy lý do bảo vệ môi trường để tái phân phối kiểu này cũng không ổn bởi các loại xăng dầu đều đã bị áp thuế bảo vệ môi trường rồi. Còn nếu muốn phân biệt mức độ gây hại khác nhau thì nên áp các mức thuế khác nhau cho mỗi loại xăng dầu", PGS. TS Phạm Thế Anh nói.

Thực tế, xăng E5RON92 là mặt hàng đang có mức thuế bảo vệ môi trường thấp hơn các loại khác.

Do đó, chuyên gia này cho rằng sự phân biệt giữa E5RON92 và RON95 có thể phần nào hiểu được bởi chúng có thể thay thế nhau, và có vẻ cơ quan quản lý đang dùng công cụ Quỹ để thúc đẩy cho việc tiêu thụ E5RON92. Tuy nhiên, thật khó hiểu khi các mặt hàng dầu không có phương án thay thế, lại đang phải “trợ giá” cho cả RON95 hay E5RON92.

“Đó là sự bất công bằng giữa những người sử dụng các mặt hàng này”, ông Phạm Thế Anh nói.

“Cờ” đến tay “van” thuế

“Việc trích quỹ bình ổn khi điều hành gây ra nhiều vấn đề phức tạp. Nếu không có quỹ, cơ quan chức năng cũng nhẹ gánh vì không phải tính toán yếu tố thu bao nhiêu, chi bao nhiêu từ quỹ mà chỉ còn cân nhắc vấn đề thuế”, ông Long nói.

Do đó, PGS. TS Ngô Trí Long ủng hộ bỏ Quỹ BOG. Tuy nhiên theo ông Long nên xem xét bỏ trong điều kiện nào.

“Bỏ là đúng khi thị trường có sự cạnh tranh thực sự, không có doanh nghiệp thống lĩnh. Nhưng trong bối cảnh hiện nay nhà nước vẫn phải định giá vì chúng ta vẫn có doanh nghiệp thống lĩnh.

Ông Long cho hay, trong tổng số 38 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối hiện nay có 3 doanh nghiệp lớn chiếm tỷ trọng thống lĩnh.

Do đó, nhà nước vẫn phải định giá và vận hành theo cơ chế thị trường. Nhà nước có “van” là thuế. Nếu giá cao thì có thể giảm thuế, nếu giá thấp thì tăng thuế. Nếu không có yếu tố thuế, thị trường sẽ tự điều tiết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.