Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam (QCVN 39:2020/BGTVT, được ban hành theo Thông tư số 08/2020 của Bộ GTVT) bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày mai (1/11/2020).
Theo đó, quy chuẩn phân loại báo hiệu thành 3 nhóm: báo hiệu dẫn luồng tàu chạy; báo hiệu chỉ vị trí nguy hiểm; báo hiệu thông báo chỉ dẫn (thông báo các tình huống, bao gồm cả báo cấm, hạn chế luồng).
Đồng thời, quy chuẩn bổ sung quy ước hướng nhìn, phương vị Đông, Tây, Nam, Bắc để xác định luồng bên trái, bên phải. Hướng nhìn từ thượng lưu xuống hạ lưu dòng chảy, từ Bắc sang Nam, từ Đông sang Tây để xác định tay phải hướng nhìn là luồng phải, tay trái là luồng trái.
Điểm mới nổi bật của quy chuẩn là ứng dụng công nghệ thông tin, vật liệu mới để “nâng tầm” báo hiệu và quản lý báo hiệu đảm bảo chính xác, liên tục, nhất là ban đêm.
Cụ thể là đèn hiệu (gắn trên phao hoặc cột, kết cấu khác) trên các tuyến đường thủy quốc gia, tuyến chính phải gắn thiết bị thông báo tình trạng hoạt động thực tế của đèn (tọa độ, dòng điện, điện áp nguồn điện, chế độ chớp và các thông số khác) và truyền trực tiếp tín hiệu về trung tâm điều hành của Cục Đường thủy nội địa VN. Riêng với các đèn hiệu lắp trên phao, phải gắn thêm thiết bị định vị vệ tinh hoặc AIS để xác định vị trí tức thời của phao.
Đại diện Cục Đường thủy nội địa VN cho biết, việc ứng dụng công nghệ trên đang được triển khai trên thực tế và giúp giảm chi phí quản lý so với phương thức thủ công (giảm việc đi kiểm tra tuyến để kiểm tra đèn, phao), thu hồi kịp thời đèn, phao bị trôi giạt, mất trộm.
Quy chuẩn cũng bổ sung loại hình báo hiệu điện tử có chữ phát sáng hoặc không phát sáng; thiết bị cảnh báo tĩnh không tự động tại khoang thông thuyền của cầu, công trình vượt sông tự động hoạt động 24/7.
“Vào ban đêm, khoang thông thuyền phải được chiếu sáng bằng hệ thống đèn LED và được trang bị đầy đủ các báo hiệu, tín hiệu cảnh báo", nội dung quy chuẩn nêu.
Cùng đó, quy chuẩn bổ sung loại báo hiệu AIS (Automatic Identification System) là báo hiệu vô tuyến điện truyền phát thông tin an toàn đường thủy từ các trạm AIS đến thiết bị AIS lắp đặt trên tàu, hoạt động trên các dải tần số VHF đường thủy.
Loại báo hiệu này được lắp đặt tại các vị trí nguy hiểm cho tàu thuyền vận hành ở khu vực thường xuyên có sương mù dày đặc làm giảm tầm nhìn xa nhỏ hơn hoặc bằng 2 hải lý.
Điểm mới khác là quy định ưu tiên sử dụng báo hiệu làm bằng vật liệu mới có tính năng chống ăn mòn, tiết kiệm chi phí bảo trì, bảo dưỡng, thân thiện với môi trường như: báo hiệu nhựa (PE, PVC và các loại nhựa cường độ cao khác), gỗ, nhôm, hợp kim hoặc thép mạ kẽm… Bề mặt báo hiệu được phủ lớp sơn hoặc in film phản quang có tác dụng phản xạ ánh sáng, tăng độ nhận biết của báo hiệu vào ban đêm.
Quy chuẩn trên được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến các hoạt động thiết kế, chế tạo, đầu tư, xây dựng, quản lý, khai thác báo hiệu đường thủy nội. Theo quy định, báo hiệu đường thủy được thiết lập mới sau ngày 1/11 áp dụng theo quy chuẩn trên.
Đối với báo hiệu đã được thiết lập trước 1/11, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, sở GTVT công bố lộ trình điều chỉnh, thay thế, nâng cấp hệ thống báo hiệu thuộc phạm vi quản lý đảm bảo phù hợp.
Bộ GTVT giao Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, giám đốc sở GTVT chịu trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc, các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa thi hành quy chuẩn này. Vụ Khoa học công nghệ thuộc Bộ GTVT chủ trì tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận