Cơ bản giữ nguyên quy định tại Quy chuẩn 41:2016
Theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019 sửa đổi quy chuẩn 41:2016, có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây, quy định vượt đèn vàng không có sự khác biệt với quy định hiện hành.
Theo đó, Quy chuẩn 41:2019 quy định, tín hiệu vàng bật sáng, phải dừng lại trước vạch dừng, trường hợp đi quá vạch dừng hoặc quá gần vạch dừng nếu dừng lại thấy nguy hiểm thì được đi tiếp.
Bình luận về quy định này, PGS.TS Vũ Hoài Nam, Trưởng Bộ môn đường ô tô và đường đô thị, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, tín hiệu đèn vàng được quy định trong các quy chuẩn đường bộ trên hoàn toàn đúng với tinh thần của công ước Viên về báo hiệu đường bộ.
Cả Quy chuẩn số 41:2016 và Quy chuẩn 41:2019 đều quy định: Tín hiệu vàng là báo hiệu sự thay đổi tín hiệu của đèn từ xanh sang đỏ. Tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “vạch dừng xe”; Nếu không có vạch sơn “vạch dừng xe”, phải dừng trước đèn tín hiệu theo chiều đi. Người vi phạm cố tình điều khiển phương tiện chạy qua vạch sơn “vạch dừng xe” sẽ bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Trong trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “vạch dừng xe” khi tín hiệu vàng bật sáng, nếu dừng lại sẽ gây nguy hiểm, phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau; khi đó người điều khiển phương tiện sẽ không bị xử phạt về hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.
Theo PGS.TS Nam, nếu chỉ quy định đèn vàng phải dừng lại sẽ gây ra những tranh cãi như trước đây, CSGT cho rằng theo quy định gặp đèn vàng thì phải dừng lại, trong khi theo quy chuẩn 41 nếu dừng lại không an toàn thì được đi tiếp. Tuy nhiên, thực hiện quy định này phần nhiều phụ thuộc vào ý thức người dân, nếu họ đi với tốc độ chậm, thấy đèn vàng thì nên dừng lại, không nên vin vào lý do dừng lại không an toàn để tranh cãi với CSGT.
Khẳng định, định nghĩa quy chuẩn 41:2016 và đến quy chuẩn 41:2019 là phù hợp với các vấn đề về mặt khoa học cũng như quy định của Công ước Viên, ông Nam cho rằng, các quy chuẩn đã bám vào các vấn đề về mặt kỹ thuật để giải quyết vấn đề mất ATGT. Theo đó, đèn vàng là tín hiệu để chuyển pha sang đèn đỏ hay còn gọi là thời gian dọn nút giao, để khi xe đi vào nút giao với tốc độ cao gặp tín hiệu chuẩn bị chuyển sang tín hiệu đèn đỏ nếu dừng lại sẽ không an toàn thì được phép đi tiếp. Trong trường hợp xe đi từ xa với tốc độ chậm dừng lại an toàn thì phải dừng lại.
Phù hợp với Công ước Viên và thực tế Việt Nam
Lý giải vì sao không có nhiều thay đổi về quy định đèn vàng trong quy chuẩn mới, trao đổi với Báo Giao thông, ông Vũ Ngọc Lăng, Vụ trưởng Vụ ATGT (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết: "Khi chuẩn bị ban hành, chúng tôi đã tiến hành thảo luận, tranh luận nhiều về vấn đề này. Trước đây, khi ban hành Quy chuẩn 41:2016, nhiều nhà khoa học, nhất là lực lượng CSGT chưa đồng ý với nội dung này. Nhưng khi ban hành Quy chuẩn 41:2019, đa phần các ý kiến xác nhận nội dung này là phù hợp và đề nghị giữ lại".
Theo ông Lăng, quy định về đèn vàng hiện nay phù hợp với Công ước Viên và thực tế giao thông ở Việt Nam. Quy định trên cũng mang tính nhân văn, an toàn hơn cho người tham gia giao thông chấp hành nghiêm chỉnh. Đồng thời, tránh các vụ tai nạn khi phanh đột ngột, xe phía sau đâm vào. Luật Giao thông đường bộ 2008 đang được sửa đổi sẽ cập nhật lại nội dung này.
Điểm a Khoản 5 Điều 5 Nghị định 100/2019 mới được ban hành năm 2019 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt quy định: Phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với người điều khiển phương tiện không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông. Mức phạt hành vi này tại Nghị định 46 trước đây chỉ phạt từ 1,2 - 2 triệu đồng.
Hành vi không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông cũng chịu mức phạt tương tự.
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả máy điện) không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, Điểm e, khoản 4, Điều 6 quy định phạt tiền từ 600.000 - 1.000.000 đồng. Mức phạt hiện hành tại Nghị định 46/2016 với cùng hành vi là 300.000 - 400.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận