Hồ sơ tài liệu

Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp ngập “rác”

29/12/2024, 06:30

Hơn 14.000 vệ tinh, 120 triệu mảnh vụn trên quỹ đạo chính, đó là con số cho thấy sự gia tăng nhanh chóng của vệ tinh và rác vũ trụ, khiến quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất đứng trước nhiều nguy cơ.

Có thể thiệt hại tới 556 triệu USD

Theo Công ty phân tích dữ liệu vũ trụ Slingshot Aerospace có trụ sở tại Mỹ, hiện tại hơn 14.000 vệ tinh trong đó có khoảng 3.500 vệ tinh không hoạt động bao quanh địa cầu, trong quỹ đạo thấp của Trái Đất.

Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp ngập “rác”- Ảnh 1.

Thống kê mật độ vệ tinh hoạt động và không còn hoạt động trong Quỹ đạo tầm thấp của Trái Đất. Ảnh: Reuters.

Bên cạnh đó, có khoảng 120 triệu mảnh vụn từ các vụ phóng, va chạm và hao mòn nhưng chỉ có vài nghìn mảnh đủ lớn để theo dõi.

Trước thực trạng này, bà Aarti Holla-Maini, đồng Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc Văn phòng Liên hợp quốc về các vấn đề ngoài vũ trụ cảnh báo: "Khi có rất nhiều vật thể được phóng lên vũ trụ, rất cần chia sẻ thông tin giữa các nhà khai thác, dù là công khai hay riêng tư để tránh va chạm".

Theo bà Aarti Holla-Maini, quỹ đạo Trái Đất tầm thấp cần phải được duy trì an toàn để ngăn chặn tình trạng gián đoạn công nghệ hỗ trợ truyền thông toàn cầu, chỉ đường hay khám phá khoa học. Nếu xảy ra sự cố, việc gián đoạn này sẽ rất tốn kém.

Tuy nhiên, hiện chưa có hệ thống tập trung để tất cả các quốc gia hoạt động trên vũ trụ có thể tận dụng. Kể cả có, việc thuyết phục họ sử dụng một hệ thống như vậy cũng gặp nhiều trở ngại vì nhiều quốc gia lo ảnh hưởng đến an ninh. Trong khi đó, các doanh nghiệp rất quan tâm đến việc bảo vệ bí mật thương mại.

Trong lúc này, sự hỗn loạn nhân lên. Một tầng tên lửa của Trung Quốc phát nổ vào tháng 8, tung thêm hàng ngàn mảnh vỡ vào quỹ đạo Trái Đất tầm thấp.

Đến tháng 6, một vệ tinh không còn tồn tại của Nga cũng phát nổ, làm tung ra hàng nghìn mảnh vỡ khiến các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế phải trú ẩn trong một giờ.

Công ty NorthStar Earth & Space có trụ sở tại Montreal ước tính rủi ro tài chính tiềm ẩn do va chạm trên vũ trụ có thể lên tới 556 triệu USD trong 5 năm và thiệt hại hằng năm là 111 triệu USD.

20% là mảnh vỡ

Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp là khu vực có nhiều vật thể do con người tạo ra nhất vì khu vực này mang lại cân bằng giữa chi phí và khoảng cách.

Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp ngập “rác”- Ảnh 2.

Minh họa mô hình vệ tinh xung quanh Trái Đất. Ảnh: Reuters.

Quỹ đạo Trái Đất tầm thấp có mật độ dày đặc, với nhiều dải như dải dành cho dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của công ty vũ trụ thương mại SpaceX ở độ cao 540-570km (336-354 dặm). Báo cáo Không gian của Jonathan cho thấy, tính đến ngày 27/11, Starlink có 6.764 vệ tinh trên dải quỹ đạo này.

Còn theo dữ liệu của SpaceX, các vệ tinh Starlink đã thực hiện gần 50.000 thao tác tránh va chạm trong nửa đầu năm 2024, gấp đôi so với 6 tháng trước đó.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu, nơi có ít tàu vũ trụ hơn SpaceX, cho biết vào năm 2021, số lần di chuyển của họ đã tăng lên ba hoặc bốn lần trên mỗi tàu so với mức trung bình là một.

Dải 800-900km chứa ít vệ tinh hơn nhưng có 3.114 vật thể - bao gồm phần trọng tải (thiết bị mang theo trên một vệ tinh, con tàu vũ trụ) còn hoạt động và không hoạt động, những mảnh vỡ và thân tên lửa - chiếm 20% tổng khối lượng vật thể ở quỹ đạo thấp của Trái Đất, gây ra nguy cơ va chạm đáng kể.

Các vệ tinh hết hạn sử dụng càng làm tăng thêm sự lộn xộn vì các thiết bị này ở trên quỹ đạo nhiều năm cho đến khi rơi và bốc cháy trong bầu khí quyển Trái Đất hoặc bị bay đến "quỹ đạo nghĩa địa" cách đó khoảng 36.000km.

Ông Anirudh Sharma, Giám đốc điều hành của công ty có trụ sở tại Bengaluru (Ấn Độ) cho hay, khả năng xảy ra xung đột giữa các quốc gia đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Nếu những xung đột này mở rộng ra không gian, nó có thể làm phức tạp môi trường ngoài vũ trụ. Do đó, cần lập ra quy tắc chung toàn cầu để các quốc gia, doanh nghiệp cùng phối hợp.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.