Thường vụ Quốc hội thảo luận phương án quy định mỗi Bộ không có quá 5 cấp phó |
Sáng 9/4, Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 37 và thảo luận, cho ý kiến về Dự thảo Luật tổ chức Chính phủ.
Trước đó, về số lượng cấp phó ở Bộ, các cơ quan ngang Bộ và các đơn vị thuộc bộ, một số đại biểu đề nghị quy định rõ trong Luật, tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị không quy định cứng trong Luật về nội dung này.
Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, bà Trương Thị Mai cũng cho rằng, với ý kiến trên rất khó thuyết phục Quốc hội.
“Đến thời điểm này mà chưa đưa ra được quy định khung về số lượng cấp phó thì rất khó chấp nhận. Chúng ta nên có quy định khung, nhưng là khung co giãn. Vì nếu quy định mỗi Bộ không quá 5 cấp phó thì đối với một số Bộ lớn như Bộ NN-PT-NT thì liệu có đáp ứng được không?" – bà Mai đặt vấn đề.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng nhận định, riêng quy định về số lượng cấp phó, có những Bộ nhập từ nhiều bộ, nếu khống chế chỉ có 5 Thứ trưởng thì cũng căng. Vì vậy, ông Phước đề nghị cân nhắc thêm, với những trường hợp vượt quá 5 phó thì Quốc hội có thể cân nhắc, linh động, còn nếu chỉ dừng lại ở số lương 5 cấp phó thì hơi khó cho một số bộ. Ngoài ra, có những Tổng cục lớn tương đương với một bộ cũng nên cân nhắc số lượng cấp phó.
Sau khi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Uỷ ban thường vụ Quốc hội đều thống nhất quan điểm, việc quy định trong Luật số lượng cấp phó ở bộ, cơ quan ngang bộ là cần thiết. Do vậy, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đề nghị Quốc hội cho xác định rõ số lượng tối đa Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ là 5; số lượng cấp phó của tổng cục, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ tối đa là 3; số lượng cấp phó của vụ, văn phòng, thanh tra và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, cơ quan ngang bộ là 2.
Kết luận lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, về cơ bản đều thống nhất với dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và giải trình tiếp thu của Chính phủ.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, Dự án Luật này trình ra để Quốc hội thông qua nên phải cố gắng chuẩn bị kỹ và có sự hoàn thiện về nội dung sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận