Trong nước

Quy định bất cập, vi phạm bản quyền tràn lan

26/05/2014, 06:46

Tại Hội nghị trực tuyến 3 miền Bắc-Trung-Nam vừa diễn ra, đại diện cơ quan quản lý văn hóa tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM đã đề cập đến nhiều kẽ hở luật khiến tình trạng vi phạm bản quyền lan tràn.

Thảo Trang bức xúc Vietnam Idol xài chùa bản quyền ca khúc
Thảo Trang bức xúc Vietnam Idol xài chùa bản quyền ca khúc


Nhuận bút chỉ mua được tô phở


Ông Nguyễn Hùng - PGĐ Sở VH,TT&DL TPHCM cho biết, nhiều luật chi phối thực hiện quyền sở hữu trí tuệ (đôi khi bị chồng chéo giữa Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Dân sự, các thông tư hướng dẫn nên nhiều khi cán bộ không nắm hết. Một mảng nhiều bộ, ngành quản lý đâm ra khó.  


Ông Hùng đã chỉ ra một số Nghị định đã quá lạc hậu như Nghị định 61 của Chính phủ ban hành từ năm 2002 về vấn đề nhuận bút. “Đến nay là năm 2014 tốc độ trượt giá tình hình phát triển như vũ bão thì nhuận bút chỉ mua được tô phở”, ông nói.


Cùng quan điểm đó, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Cần Thơ nêu thực trạng về vấn đề nhuận bút: “Trong cuốn 1000 ca khúc mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội, tôi có ba bài hát. Tiền nhuận bút của tôi được nhận là 150.000 đồng. Vì cuốn sách đó bán giá 500.000 đồng tôi phải bỏ thêm 350.000 đồng nữa để mua cuốn sách mình được đăng bài trên đó”. Chính vì thế, các nhạc sĩ cũng chẳng thiết tha với việc tác quyền  nữa.


Ông Nguyễn Quốc Chiêm - Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội cho rằng, việc hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp quy cho thấy tính công khai minh bạch trong việc thực thi bản quyền tác giả, quyền liên quan chưa rõ ràng. Việc thu phí bản quyền âm nhạc hiện nay cũng chưa có sự thống nhất giữa các cơ quan chức năng.


Theo đại diện của Đài truyền hình Việt Nam, hiện nay Đài đang gặp vướng mắc tại Điều 16 của quy chế Quản lý hoạt động truyền  hình trả tiền. Các quy định này cho phép doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền tự ý tiếp phát các kênh VTV1, VTV2, VTV4, VTV5 mà không cần thỏa thuận về bản quyền. Các quy định này không phù hợp với Luật Sở hữu trí tuệ. Bởi trong thực tế, trên các kênh sóng này, Đài đã mua, trao đổi bản quyền nhiều chương trình của đối tác trong nước cũng như nước ngoài. Vì vậy, nếu như các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ TH trả tiền có thể tự ý tiếp phát sóng thì sẽ dẫn đến việc các đối tác phản ứng và cáo buộc Đài THVN vi phạm hợp đồng bản quyền đã ký.


Bà Trần Thị Trường, đại diện Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam lại cho rằng, Điều 26, Luật Sở hữu trí tuệ không phải xin phép, mà phải trả tiền. Đài truyền hình Việt Nam chịu thiệt với các đài khác, tuy nhiên chúng tôi cũng bị chịu thiệt từ Đài. “Đài truyền hình sử dụng các bài hát phát sóng,  khi các tác giả nhận tiền từ chúng tôi thì không thấy, không phải đài truyền hình không có thiện chí mà giữa hai bên không có bộ máy đo tần suất, cũng có thể sai sót, thiếu. Điều 26 quy định, không xin phép, không phải trả tiền. Đài truyền hình đưa ra mức giá, nhưng một số tác giả không đồng ý, nên đã kiến nghị thắc mắc với chúng tôi”.

Tranh chấp kéo dài vì không có hội đồng giám định


Trong khi đó, đại diện TAND TP HCM nêu lên thực trạng trong việc xử lý các vụ kiện xâm phạm bản quyền trí tuệ. Vị này dẫn chứng một vụ kiện cuối năm 2009 khi tòa án TP HCM có xử vụ kiện, về vụ tranh chấp quyền tác giả một tác phẩm âm nhạc tái sinh do một công ty TP HCM kiện  một công ty khác ở TP HCM. Bên  bị đơn không thừa nhận hành vi xâm phạm cho rằng tác phẩm họ phổ biến không phải là tác phẩm của bên nguyên đơn, yêu cầu tòa án giám định xâm phạm hay không. 
 

* Trong 5 năm qua, Chi cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố đã xử lý trên 1.111 vụ vi phạm bản quyền, xử phạt hành chính gần 3 tỷ đồng.


* Trong 5 năm, Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam đã thu trên 200 tỷ đồng tiền sử dụng các tác phẩm âm nhạc. Năm 2008, Trung tâm có 1.356 hội viên, thu được trên 16 tỷ đồng đến năm 2013 đã có 2.787 hội viên  thu được trên 58 tỷ đồng tiền bản quyền.

Vì không phải cơ quan chuyên môn nên Tòa đã có văn bản gửi Cục bản quyền tác giả giới thiệu tổ chức hay cá nhân có kinh nghiệm giám định. Cục bản quyền đã gửi văn bản và cho địa chỉ của 4 nhạc sĩ đang làm việc công tác tại TP HCM. Khi tòa án liên hệ với 4 nhạc sĩ đó thì 3 người từ chối, một người nhận lời nhưng một người không thể thành lập hội đồng giám định được, vì ít nhất phải có 4-5 người. Tòa án gửi Văn bản nhờ Sở VH, TT&DL TP HCM giới thiệu những nhạc sĩ khác thì đến giờ sở vẫn chưa trả lời. Không có hội động giám định thì không thể xử được. Đó là thực tiễn của tòa án trong những năm qua dẫn đến nhiều vụ kiện kéo dài. Từ đó, người bị xâm phạm bản quyền, xâm phạm trí tuệ, rất chán nản, không muốn kiện nữa.

Ngoài ra, xác định mức bồi thường thiệt hại, việc chứng minh thiệt hại phát sinh để tòa án buộc bị đơn bồi thường là rất khó khăn cho bên nguyên đơn. Mặc dù điều 205 của Luật Sở hữu trí tuệ có quy định, nếu không xác định mức thiệt hại cụ thể theo quy định của điều này thì  mức bồi thường cụ thể do tòa án ấn định,  tối đa không quá 500 triệu đồng nhưng không có mức tối thiểu. Điều đó gây khó khăn cho tòa án. Một ông thẩm phán làm sao biết bao nhiêu là vừa.


“Đó là hai khó khăn và không chỉ khó khăn cho tòa án mà còn là khó khăn cho bên bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả, như vậy sẽ ảnh hưởng đến quyền hợp pháp của họ. Không tự giải quyết được, họ nhờ công lý bảo vệ thì cuối cùng tòa án cũng không làm được. Người ta không tin tưởng vào luật  pháp nữa”, đại diện tòa án nói.

Phạm Lý
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.