Cò đất cùng với các đầu nậu chính là những “thủ phạm” tạo nên cơn sốt ảo giá đất nền vùng ven tại TP.HCM thời gian qua |
“Thủ phạm” của những cơn sốt đất ảo
Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC46), Công an TP.HCM vừa ra quyết định khởi tố về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Công ty CP Địa ốc Kim Phát và Công ty CP Đầu tư Việt Hưng Phát vì đã có hành vi gian dối trong bán hàng, bị khách hàng đâm đơn khiếu kiện. Đây là một trong những đơn vị môi giới đầu tiên bị khởi tố liên quan đến các quy định về điều kiện, đạo đức hành nghề. Dù Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua năm 2014 đã quy định: Người hành nghề môi giới phải có Thẻ hành nghề và yêu cầu là phải có bằng đại học, song do chưa có hướng dẫn cụ thể nên vẫn bị buông lỏng.
"Tại nhiều nước phát triển như Singapore có hẳn một trung tâm dữ liệu trong hoạt động môi giới. Những người làm nghề môi giới được đào tạo bài bản và có mã số. Chỉ cần tra mã số sẽ có đủ các thông tin về người đó, làm ở công ty nào, chi tiết và cụ thể. Việc được đào tạo bài bản không chỉ giúp thị trường lành mạnh mà đảm bảo tránh được sự rủi ro cho người mua nhà”. Ông Phạm Lâm |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận xét: Hầu hết người hành nghề môi giới bất động sản hiện không được đào tạo theo quy định của Bộ Xây dựng, cũng không có chứng chỉ hành nghề. Lực lượng cò đất này cùng với các đầu nậu chính là những “thủ phạm” tạo nên cơn sốt ảo giá đất nền vùng ven trong thời gian vừa qua.
Ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam cũng cho rằng, hoạt động môi giới hiện nở rộ và mang tính tự phát, có cảm giác như là nghề “cá nhân hóa”, ai làm cũng được. “Những người không học về môi giới, đa số đang hiểu sai lệch về nghề, thậm chí không từ cả thủ đoạn để bán hàng. Không hiểu biết Luật Kinh doanh bất động sản, không nắm được tính pháp lý của dự án nên bản thân người môi giới không lường trước được hậu quả phải gánh chịu trước pháp luật”, ông Lâm nói.
Theo Tổng giám đốc DKRA, thực tế, môi giới bất động sản đòi hỏi cao về chuyên môn cũng như các kỹ năng, chịu trách nhiệm trước pháp luật và có nghĩa vụ đóng thuế. “Càng nhiều công ty môi giới, thị trường càng tăng cạnh tranh, song phải kiểm soát được chất lượng hoạt động này. Tôi cho rằng, những ai muốn hành nghề môi giới phải được đào tạo, thi để được cấp thẻ hành nghề. Người mua nhà cũng phải yêu cầu người làm nghề môi giới ghi vào trong hợp đồng mã số thẻ để được pháp luật bảo vệ khi gặp sự cố”, ông Lâm nói.
Môi giới sai, sàn giao dịch và chủ đầu tư cũng bị xử lý
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, hầu hết người hành nghề môi giới bất động sản hiện nay thực chất chỉ là nhân viên giới thiệu sản phẩm, chưa đáp ứng được những điều kiện tối thiểu cần phải có của nghề. Trong đó, số người được cấp thẻ hành nghề chiếm tỷ lệ rất ít. “Thời điểm trước khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) được thông qua, người môi giới không cần phải qua khâu sát hạch, đã có khoảng 27 nghìn trường hợp được cấp chứng chỉ, và tới nay vẫn có hiệu lực. Sau khi Luật sửa đổi yêu cầu đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề môi giới phải qua sát hạch, thì chỉ có khoảng dưới 5 nghìn người được cấp. Tổng cộng số người có thẻ vẫn đang hành nghề môi giới hiện chỉ khoảng 20 nghìn người. Nhưng theo thống kê, những người thường xuyên chào bán bất động sản trên các trang web lên tới khoảng 300 nghìn người đang hoạt động. Trong đó, nếu chỉ tính riêng nhân viên chuyên nghiệp tại các sàn giao dịch hiện cũng đã có khoảng 100 nghìn người”, ông Đính dẫn giải.
Được biết, Dự thảo Nghị định 121/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản đang được sửa đổi, bổ sung theo hướng truy trách nhiệm người môi giới và sàn giao dịch bất động sản nếu để xảy ra hậu quả. Tuy nhiên, theo ông Đính, ngay lúc này, cơ quan chức năng cũng có thể xử lý hành vi môi giới trái phép. “Khi môi giới không đúng quy định, không chỉ người môi giới mà cả sàn giao dịch và chủ đầu tư cũng sẽ bị xử lý. Đặc biệt, nếu chủ đầu tư giao dự án cho sàn giao dịch không có chức năng, gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị sung công quỹ toàn bộ số tiền thu được từ hoạt động môi giới; Đồng thời, đình chỉ hoạt động đối với các bên liên quan trong thời gian tối đa 2 năm để khắc phục”, ông Đính cho biết.
Cũng theo Tổng Thư ký VARS, nếu phát hiện nhân viên môi giới không có chứng chỉ, cơ quan thuế cũng có thể xử lý. “Sở dĩ thời gian qua, cơ quan chức năng còn nới lỏng đối với các sàn giao dịch bất động sản bởi hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề môi giới mới diễn ra được hơn 1 năm, cần có thời gian cho các bên chuẩn bị và đáp ứng quy định. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ chấm dứt trong năm 2018 khi Nghị định 121 sửa đổi được ban hành và có hiệu lực”, ông Đính nhận định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận