Vận tải

Quy định mới có quản được xe hợp đồng “trá hình”?

28/08/2018, 10:02

Với nhiều điểm mới được quy định tại dự thảo NĐ thay thế Nghị định 86 sẽ siết chặt xe hợp đồng trá hình...

15

Xe Limousine của Công ty Hà Lan chờ đón khách trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội (khu vực trước cổng Ban Cơ yếu Chính phủ) - Ảnh: Thiên Tuấn

Siết quản lý xe hợp đồng trá hình

Một trong những điểm đáng chú ý và nhận được sự kỳ vọng lớn trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô là việc bổ sung những điều kiện để đưa hoạt động kinh doanh xe hợp đồng và xe du lịch vào khuôn khổ. Với những quy định mới này, vấn nạn xe hợp đồng trá hình, hay còn gọi là xe dù, xe Limousine vốn đang gây nhức nhối ở nhiều thành phố lớn hiện nay sẽ hết “đất diễn”. Có thể kể đến quy định cho phép sử dụng hợp đồng điện tử; trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo thông qua phần mềm các thông tin liên quan đến chuyến đi.

"Dự thảo Nghị định mới bổ sung một số nội dung để doanh nghiệp kinh doanh vận tải thấy rõ trách nhiệm của mình đối với công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vận tải, từ đó sẽ giúp công tác quản lý của doanh nghiệp được tốt hơn. Đặc biệt là vấn đề quản lý thuế, bảo hiểm đối với xe hợp đồng đã được cơ quan soạn thảo cân nhắc đưa vào dự thảo nhằm hình thành khung chính sách chung, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh nộp thuế”.

Ông Đỗ Công Thủy
Vụ phó Vụ Vận tải
Tổng cục Đường bộ VN

Cụ thể, dự thảo bổ sung quy định đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh; quy định trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có địa chỉ nơi khởi hành và địa chỉ nơi kết thúc trùng nhau.

“Hợp đồng vận tải phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Hợp đồng vận tải được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Với đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ôtô có số người được phép chở dưới 8 chỗ phải thông báo tới cơ quan quản lý nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi theo quy định”, dự thảo Nghị định nêu.

Ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, những điểm mới được Bộ GTVT đưa ra nhằm bảo vệ người dân, giúp doanh nghiệp cạnh tranh công bằng. “Tôi cho rằng không chỉ ngành Giao thông mà các ngành khác như Tài chính, Công an nên vào cuộc để xử lý triệt để tình trạng xe dù, bến cóc. Hiện nay, xe hợp đồng phần lớn trốn thuế, phá vỡ vận tải cố định”, ông Liên nói.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và du lịch Hà Lan cho rằng, những quy định trên chỉ quản được các hãng xe nhỏ, có ít xe. Các hãng xe lớn có trên 100 xe, chạy thường xuyên trên nhiều hành trình và có 4-5 văn phòng, địa điểm giao dịch thì trong tháng, họ đảo xe chạy ở các hành trình trên, số chuyến trùng lặp nhau mới chỉ đạt 25%. “Hơn nữa, việc xác định lỗi vi phạm rất khó, cơ quan chức năng lấy đâu ra thời gian và nhân lực để tính toán hàng nghìn xe trong cả nước”, ông Hà nói.

Hậu kiểm bằng công nghệ

Giải thích về quy định trên, Bộ GTVT cho rằng, vận tải hành khách theo hợp đồng không theo tuyến cố định, vận tải khách du lịch theo bản chất của hợp đồng và du lịch không thể có tính chất lặp đi, lặp lại và ngẫu nhiên thường xuyên xuất phát và kết thúc tại một điểm cố định. Quy định trên vẫn đảm bảo phù hợp với quy định điều kiện kinh doanh cho mỗi loại hình quy định trong Luật GTĐB năm 2008 để bảo đảm minh bạch, công bằng giữa các hình thức kinh doanh vận tải.

“Đây là một trong những giải pháp nhằm kiểm soát và xử lý tình trạng xe dù, bến cóc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nếu quy định này bị dỡ bỏ, vô hình trung sẽ tạo thêm kẽ hở về pháp luật để xe dù, bến cóc và không có thêm giải pháp gì để kiểm soát và xử lý đối với đối tượng này. Quy định này là cơ sở để phục vụ công tác thanh, kiểm tra và hậu kiểm việc thực hiện điều kiện kinh doanh vận tải”, Bộ GTVT cho biết.

Đề cập đến việc giám sát xe hợp đồng thực hiện các quy định nêu trên, ông Đỗ Công Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, thông qua dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và hợp đồng vận tải sẽ xác định được doanh nghiệp có vi phạm quy định hay không. Doanh nghiệp vận tải có thể thuê 4 - 5 địa điểm, văn phòng để lách luật nhưng với điều kiện ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM việc này không dễ dàng gì. Doanh nghiệp cũng không thể mãi đi tìm các địa điểm khác nhau để đối phó.

“Tổng cục Đường bộ VN đang xây dựng phần mềm để đối chứng với dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, làm cơ sở đưa ra chế tài xử phạt và sẽ cố gắng thực hiện theo phương thức phạt nguội. Ngoài thiết bị giám sát hành trình là công cụ giám sát, xử lý vi phạm, còn có hệ thống camera giám sát vi phạm trên các tuyến đường sẽ giám sát, xử lý được loại hình này”, ông Thủy nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.