Hạ tầng

Quy định mới sử dụng kinh phí phòng, chống thiên tai đường thủy

30/04/2018, 06:00

Từ 15/5, quy định về công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực đường thủy nội địa có hiệu lực.

pho-chu-tich-kvh-lam-viec-dn-4-1151

Thông tư số 12 quy định rõ trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong công tác phòng, chống thiên tai trên đường thủy nội địa

Bộ GTVT vừa ban hành Thông tư số 12 quy định về công tác phòng, chống thiên tai trong lĩnh vực đường thủy nội địa (có hiệu lực từ 15/5/2018). Thông tư này phân định rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước (Cục Đường thủy nội địa VN, Sở GTVT, các Chi cục, Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực) và người điều khiển phương tiện thủy, chủ cảng, bến, doanh nghiệp bảo trì đường thủy.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị quản lý và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động đường thủy có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, tổ chức các nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo chức năng, công việc. Khi thiên tai xảy ra, lãnh đạo cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải chủ động trong việc điều hành bộ máy của mình; Tuân thủ nguyên tắc 4 tại chỗ (lực lượng, phương tiện, hậu cần và chỉ huy); phối hợp chặt chẽ với lực lượng phòng, chống thiên tai tại địa phương.

Đối với thuyền trưởng, thuyền viên, khi neo đậu phương tiện trong cảng, bến phải tuân thủ nghiêm lệnh sơ tán phương tiện của cảng vụ, đơn vị quản lý, khai thác cảng, bến; tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp đang trên hành trình mà không đủ thời gian đưa phương tiện ra khỏi vùng ảnh hưởng của thiên tai, phải có phương án hợp lý điều động tránh thiên tai và phát tin cảnh báo, thông báo đến các cơ quan, đơn vị, phương tiện gần nhất một cách nhanh nhất để được trợ giúp.

Nguồn kinh phí để thực hiện công tác phòng, chống thiên tai gồm: chi sự nghiệp kinh tế đường thủy nội địa từ ngân sách nhà nước; các khoản cứu trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước khi có thiên tai xảy ra; các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Kinh phí từ hợp đồng mua bảo hiểm công trình xây dựng; nguồn của doanh nghiệp đầu tư xây dựng và quản lý khai thác công trình đường thủy.

Việc quản lý, sử dụng kinh phí đối với đường thủy quốc gia được thực hiện theo quy định chung. Tuy nhiên, UBND cấp tỉnh được quyết định việc quản lý, sử dụng kinh phí cho công tác phòng, chống thiên tai đối với hệ thống đường thủy địa phương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.