Bộ GTVT vừa ban hành văn bản hợp nhất Thông tư quy định về điều kiện đối với xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và người điều khiển tham gia giao thông đường bộ.
Xe chở hàng bốn bánh đăng ký và cấp biển số ở địa phương nào phải thực hiện kiểm tra lưu hành tại đơn vị đăng kiểm thuộc địa phương đó. Ảnh minh hoạ
Xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ thực chất là xe tải chở hàng hoá được Chính phủ chấp thuận cho thí điểm hoạt động từ năm 2009 thay thế các loại xe công nông và xe 3-4 bánh tự chế và được lưu thông ở làn đường dành cho xe 2-3 bánh. Từ ngày 1/1/2015, người điều khiển xe này phải có giấy phép lái xe từ hạng B2 trở lên và xe phải đạt yêu cầu kỹ thuật qua đăng kiểm thì mới được cấp giấy chứng nhận lưu hành và dán tem lưu hành.
Theo văn bản hợp nhất mới ban hành quy định xe tải chở hàng được đăng ký và cấp biển số tại địa phương nào thì thực hiện kiểm tra lưu hành tại Đơn vị đăng kiểm ở địa phương đó, khác với các phương tiện ô tô khác có thể đăng kiểm ở bất kỳ Trung tâm đăng kiểm nào trên cả nước.
Văn bản cũng quy định trình tự, cách thức thực hiện khi kiểm tra lưu hành đối với loại xe này. Theo đó, chủ xe hoặc người đưa xe đến kiểm tra lưu hành (sau đây gọi tắt là chủ xe) đưa xe và các giấy tờ theo quy định tại Điều 10 của Thông tư này đến đơn vị đăng kiểm để kiểm tra lưu hành.
Đơn vị đăng kiểm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Nếu không đầy đủ hoặc không hợp lệ thì hướng dẫn chủ xe hoàn thiện lại; nếu đầy đủ, hợp lệ thì thu phí, chụp ảnh phương tiện và tiến hành kiểm tra các hạng mục theo phương pháp kiểm tra được quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.
Đối với trường hợp kiểm tra lần đầu, đơn vị đăng kiểm kiểm tra và lập biên bản kiểm tra lần đầu xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ theo mẫu quy định tại Phụ lục XI ban hành kèm theo Thông tư này. Nếu đạt tiêu chuẩn, đơn vị đăng kiểm thu lệ phí, trả hóa đơn thu lệ phí và cấp Giấy chứng nhận lưu hành, Tem lưu hành theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này.
Nếu xe có kết quả không đạt, đơn vị đăng kiểm thông báo hạng mục kiểm tra không đạt của xe cho chủ xe biết để sửa chữa, khắc phục để kiểm tra lại, đồng thời thông báo xe không đạt lên mạng kiểm định.
Thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận lưu hành đối với trường hợp kiểm tra lần đầu là 12 tháng đối với xe mới, chưa qua sử dụng đến 2 năm, kể từ năm sản xuất; 6 tháng đối với xe mới, chưa qua sử dụng trên 2 năm, kể từ năm sản xuất.
Các lần kiểm tra tiếp theo, giấy chứng nhận lưu hành có thời hạn hiệu lực 6 tháng. Đồng thời, thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận lưu hành không vượt quá ngày hết hạn của Giấy đăng ký Xe (nếu có) hoặc ngày xe hết niên hạn sử dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận