Thế giới giao thông

Quy định mới về mạng 5G bị phản đối ở Mỹ

16/02/2023, 07:03

Các nhà quản lý, ngành hàng không và ngành viễn thông Mỹ đang tranh cãi về cách đảm bảo an toàn hàng không khi triển khai mạng viễn thông 5G.

Lo tốn tiền nâng cấp thiết bị

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) - đại diện cho hơn 100 hãng hàng không hoạt động tại Mỹ cho biết, đã gửi văn bản phản hồi tới Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) bày tỏ lo ngại sẽ tổn thất tới 637 triệu USD nếu bắt buộc phải lắp thiết bị mới để đảm bảo an toàn.

img

Cao độ kế là thiết bị đo độ cao của máy bay so với mặt đất, đóng vai trò quan trọng khi hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu

Việc này phát sinh do tín hiệu của mạng 5G có tần số gần với tín hiệu của cao độ kế trên máy bay, có thể khiến thiết bị này bị nhiễu. Cao độ kế là thiết bị đo độ cao của máy bay so với mặt đất, có vai trò quan trọng khi hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu.

FAA nghi ngờ tín hiệu mạng 5G là một trong những yếu tố dẫn đến khoảng 100 sự cố gần đây được thống kê của thiết bị dẫn đường máy bay. FAA lo ngại những sự cố tương tự tăng cao khi các nhà cung cấp viễn thông mở rộng mạng 5G trên toàn nước Mỹ.

Các tập đoàn viễn thông lớn của Mỹ dù đã tiêu tốn hàng chục tỷ USD (Verizon Communications chi 45,5 tỷ USD, AT&T chi hơn 23 tỷ USD) nhưng đã buộc phải hoãn triển khai 5G tới 2 lần vì bị ngành hàng không Mỹ phản đối, đến trung tuần tháng 1/2023 vừa qua mới chính thức triển khai một phần.

Và buộc phải hoãn triển khai mạng 5G tại các khu vực gần sân bay cho tới tháng 7/2023.

Để đảm bảo an toàn, ngày 9/1, FAA cho biết cơ quan này đang đề xuất yêu cầu máy bay chở khách, chở hàng tại Mỹ phải lắp đặt thiết bị lọc hoặc cao độ kế không bị ảnh hưởng bởi tín hiệu mạng 5G trước ngày 1/2/2024.

Theo ước tính ban đầu của FAA, khoảng 7.993 máy bay đăng ký tại Mỹ cần điều chỉnh lại thiết bị dẫn đường, 180 máy bay cần thay cao độ kế, 820 máy bay cần lắp thêm bộ lọc để tránh nhiễu tín hiệu với tổng chi phí ước tính lên tới 26 triệu USD.

Tuy nhiên, trong phản hồi mới nhất, IATA nhận định chi phí để tất cả máy bay thương mại hoạt động tại Mỹ nâng cấp thiết bị để thích ứng với mạng 5G có thể lên tới 637 triệu USD, cao hơn nhiều con số FAA dự tính.

Bên cạnh đó, IATA cũng chỉ trích đề xuất này không công bằng khi bắt buộc ngành hàng không phải thanh toán chi phí nâng cấp cao độ kế trên máy bay chứ không phải Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ hay các công ty viễn thông.

Nguy cơ gián đoạn hàng không

img

Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) nghi ngờ tín hiệu mạng 5G là một trong những yếu tố dẫn đến khoảng 100 sự cố

Trước đó, IATA cũng cảnh báo nhiều hãng hàng không có nguy cơ không nâng cấp kịp thiết bị dẫn đường máy bay trước ngày 1/2/2024 do vấn đề chuỗi cung ứng, chậm trễ trong quá trình cấp giấy chứng nhận và thách thức về hậu cần.

Tổ chức này cũng cảnh báo, nếu FAA và Chính phủ Mỹ không thay đổi cách tiếp cận thì sau hạn chót, rất dễ xảy ra tình trạng gián đoạn chuyến bay vào tháng 3 và tháng 7.

Nhóm Airlines for America (A4A) đại diện cho các hãng hàng không lớn tại Mỹ như: American Airlines, Delta Air Lines, United Airlines cùng nhiều hãng khác cũng yêu cầu FAA phải đánh giá lại đề xuất trên, làm sao phải phản ánh đúng thực tế kỹ thuật và đảm bảo an toàn bay cho nhiều phương tiện khác.

Nhóm này cũng cho rằng, sẽ có rất nhiều máy bay của các hãng tại Mỹ không kịp nâng cấp thiết bị và sẽ gây ra tình trạng chậm, hủy chuyến.

Khoảng trung tuần tháng 2, một liên minh các hãng sản xuất máy bay bao gồm Boeing, Airbus, Lockheed Martin, Raytheon và các nghiệp đoàn phi công, hàng không đã cùng lên tiếng cho rằng FAA chưa đưa ra được giải pháp kiểm soát nhanh, đầy đủ để đảm bảo an toàn cho cả hoạt động hàng không và cả sự phát triển của các dịch vụ viễn thông. Họ cũng cho rằng, FAA dự tính chi phí chưa đúng thực tế.

Song, các hãng viễn thông một mực bác bỏ đề nghị gia hạn nâng cấp thiết bị. CTIA - nghiệp đoàn đại diện cho Verizon and AT&T cho biết, FAA đã tạo điều kiện thời gian dư dả cho các hãng hàng không và không nên kéo dài hơn nữa.

Còn FAA khẳng định vẫn đang tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa kịp thời.

Tín hiệu 5G sẽ đi trên các tần số vô tuyến thuộc băng tần C và được các nhà mạng ưa chuộng vì có mức độ ổn định tốt, tốc độ đường truyền cao và vùng phủ sóng rộng.

Nhưng xét về quang phổ của tần số được sử dụng cho truyền thông không dây, băng tần C nằm ngay cạnh dải tần số mà thiết bị đo độ cao bằng radar của máy bay sử dụng.

Giữa hai dải tần số này được ngăn cách bằng dải tần số bảo vệ để hạn chế bị nhiễu.

Một số chuyên gia công nghệ thừa nhận về lý thuyết, ăng-ten 5G có thể gây nhiễu tại khu vực xung quanh sân bay. Nguy cơ này vốn đã và đang hiện hữu ở tất cả các hệ thống truyền thông không dây, không riêng 5G nhưng các nhà quản lý trên thế giới đã và đang làm tốt công việc quản lý.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.