Thêm trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép kinh doanh
So với Nghị định 10/2020, Nghị định 41/2024 mới ban hành đã bổ sung thêm trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải bị thu hồi Giấy phép kinh doanh (GPKD) không thời hạn.
Theo đó, nhà xe sẽ bị thu hồi giấy phép nếu không kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên GPKD trong thời hạn từ 6 tháng trở lên, kể từ ngày được cấp GPKD hoặc ngừng kinh doanh vận tải toàn bộ các loại hình ghi trên GPKD trong thời gian 6 tháng liên tục trở lên; Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về kinh doanh, điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, trong thời gian 1 tháng, có từ 30% trở lên số phương tiện của đơn vị bị xử lý vi phạm thu hồi, bị tước phù hiệu, biển hiệu cũng sẽ bị thu hồi GPKD không thời hạn.
Nghị định 41/2024 cũng quy định: Khi cơ quan cấp GPKD ban hành quyết định thu hồi GPKD đối với loại hình kinh doanh vận tải có vi phạm, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký, đơn vị kinh doanh vận tải phải nộp lại GPKD và phù hiệu, biển hiệu cho cơ quan cấp GPKD, đồng thời dừng hoạt động kinh doanh vận tải theo quyết định thu hồi.
Trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại GPKD và phù hiệu, biển hiệu theo đúng quyết định thu hồi, cơ quan cấp GPKD chỉ cấp lại giấy phép này sau thời gian 30 ngày (hoặc 60 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục).
Trường hợp quá thời hạn 10 ngày kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi GPKD mà đơn vị kinh doanh vận tải không nộp GPKD và phù hiệu, biển hiệu hoặc có nộp nhưng không đủ theo quyết định thu hồi, Sở GTVT chỉ cấp lại GPKD sau thời gian 45 ngày (hoặc 90 ngày đối với trường hợp vi phạm lần thứ 2 trong thời gian 6 tháng liên tục) kể từ ngày đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại đủ GPKD và phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi.
Sau khi có quyết định thu hồi phù hiệu, biển hiệu mà đơn vị kinh doanh vận tải xin cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu với lý do bị mất, trong thời gian 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của đơn vị kinh doanh vận tải, Sở GTVT không thực hiện cấp mới, cấp lại phù hiệu, biển hiệu.
Thu hồi đăng ký tuyến với doanh nghiệp chạy dưới 70% tổng số chuyến trong tháng
Theo quy định mới tại Nghị định 41/2024, doanh nghiệp, hợp tác xã được ngừng khai thác tuyến hoặc ngừng khai thác một hoặc một số chuyến xe trên tuyến. Song, trước khi ngừng khai thác 5 ngày, phải gửi thông báo đến Sở GTVT, bến xe hai đầu tuyến và nộp lại phù hiệu xe tuyến cố định cho Sở GTVT vào ngày ngừng khai thác tuyến.
Bến xe hai đầu tuyến có trách nhiệm thực hiện niêm yết thông báo tại bến xe tối thiểu 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Đáng chú ý, Nghị định đã sửa đổi quy định về thu hồi đăng ký khai thác tuyến vận tải khách cố định.
Thay vì quy định doanh nghiệp, hợp tác xã bị đình chỉ khai thác tuyến và phải nộp lại phù hiệu cho cơ quan cấp khi doanh nghiệp, hợp tác xã không hoạt động kinh doanh vận tải trên tuyến trong thời gian 60 ngày liên tục, Nghị định đã sửa đổi: Doanh nghiệp, hợp tác xã bị thu hồi đăng ký khai thác tuyến đối với nốt (tài) đang khai thác khi trong một tháng thực hiện dưới 70% tổng số chuyến xe của nốt (tài) đã đăng ký.
Về trình tự, thủ tục thu hồi đăng ký khai thác tuyến đối với nốt (tài) đang khai thác, Nghị định quy định Sở GTVT ban hành quyết định thu hồi. Trường hợp tuyến đăng ký khai thác chỉ có 1 nốt (tài) hoặc toàn bộ các nốt (tài) của tuyến đều thực hiện dưới 70% tổng số chuyến xe đã đăng ký thì thực hiện thu hồi thông báo đăng ký khai thác tuyến thành công và thu hồi phù hiệu đã cấp cho phương tiện hoạt động trên tuyến.
Đồng thời, gửi quyết định thu hồi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, bến xe khách hai đầu tuyến, Sở GTVT đầu tuyến bên kia và phải đăng tải thông tin trên Trang thông tin điện tử của Sở GTVT.
Nghị định cũng bổ sung quy định: Trong thời gian 2 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định thu hồi, thực hiện cập nhật thông tin giờ xuất bến của nốt (tài) đã thu hồi vào phần mềm quản lý tuyến vận tải khách cố định của Bộ GTVT để các doanh nghiệp, hợp tác xã khác đăng ký khai thác tuyến theo quy định.
Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi có hiệu lực thi hành, doanh nghiệp, hợp tác xã bị thu hồi không được đăng ký khai thác trên tuyến có nốt (tài) bị thu hồi.
Sau thời gian này, nếu có nhu cầu tiếp tục tham gia kinh doanh trên tuyến có nốt (tài) bị thu hồi thì doanh nghiệp, hợp tác xã phải làm thủ tục đăng ký khai thác tuyến theo quy định tại Nghị định này.
Theo Cục Đường bộ VN, việc sửa đổi nhằm đảm bảo các đơn vị vận tải có trách nhiệm cung cấp dịch vụ theo đúng phương án chạy xe đã đăng ký, hạn chế việc đơn vị vận tải chỉ đăng ký để giữ chỗ nhưng không hoạt động.
Đồng thời, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải khác chủ động theo dõi, đăng ký nốt (tài) kịp thời khi trên tuyến có nốt (tài) bị thu hồi, nhằm đảm bảo các nốt (tài) tại các bến xe được khai thác hết công suất, đáp ứng nhu cầu vận tải của hành khách.
Cho phép sở GTVT chủ động trong bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định
Nghị định 41/2024 đã bổ sung nhiều quy định tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải trong việc đăng ký khai thác tuyến.
Theo đó, đối với tuyến mới chưa nằm trong danh mục mạng lưới tuyến đã được cơ quan có thẩm quyền công bố, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải chủ động xây dựng phương án và thống nhất với bến xe hai đầu tuyến về giờ xuất bến, gửi Sở GTVT nơi đăng ký kinh doanh vận tải đặt trụ sở chính hoặc trụ sở chi nhánh để đăng ký khai thác tuyến theo quy định và Sở GTVT đầu tuyến bên kia phối hợp quản lý.
Sở GTVT sẽ có trách nhiệm thống nhất với Sở GTVT đầu tuyến bên kia để thực hiện xây dựng, điều chỉnh, bổ sung danh mục mạng lưới tuyến cố định liên tỉnh theo nguyên tắc ổn định các tuyến đã công bố. Đối với các tỉnh, thành phố có bến xe bảo đảm tổ chức vận tải theo hướng tuyến cần tuân thủ nguyên tắc tuyến vận tải đi theo hướng nào thì điểm đầu, điểm cuối là bến xe hướng đó.
Các bến xe khách phải sử dụng phần mềm quản lý bến xe khách để quản lý hoạt động xe ra, vào bến và cung cấp thông tin (gồm: tên bến xe; tên doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải; họ và tên lái xe; biển kiểm soát xe; tuyến hoạt động; giờ xe xuất bến; số lượng hành khách khi xe xuất bến thực tế) trên lệnh vận chuyển của từng chuyến xe hoạt động tại bến về Cục Đường bộ VN.
Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định có trách nhiệm lưu trữ lệnh vận chuyển của các chuyến xe đã thực hiện trong thời gian tối thiểu 3 năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận