Bộ GTVT vừa ban hành văn bản hợp nhất số 333 quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Trong đó, đáng chú ý là quy định: Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác.
Bộ GTVT ban hành văn bản hợp nhất số 333 vẫn giữ quy định: Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác
“Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư này, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ.
Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tiếp nhận mặt bằng do tổ chức, cá nhân bàn giao.
Trường hợp hết thời hạn sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tạm thời không thực hiện hoàn trả, cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp để tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định”, văn bản này nêu rõ.
Theo thông tin của Báo Giao thông, trong Dự thảo Luật GTĐB sửa đổi đang được lấy ý kiến, Bộ GTVT đã đề xuất bổ sung quy định về việc sử dụng tạm thời gầm cầu cạn để trông, giữ phương tiện nhằm giải quyết nhu cầu giao thông tĩnh của các đô thị lớn, nâng cao hiệu quả của việc khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc cho phép sử dụng gầm cầu cạn làm bãi đỗ xe là xu hướng tất yếu của các đô thị lớn trên thế giới, góp phần giải quyết phần nào nhu cầu của người dân tại các thành phố lớn, giảm được ùn tắc và giảm áp lực giao thông, trên cơ sở phải đảm bảo các yếu tố về hạ tầng, tổ chức giao thông, có tính thẩm mỹ và việc kết nối với không gian xung quanh.
Thế nhưng, Luật GTĐB sửa đổi hiện vẫn đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến, do đó, các tỉnh, thành và các cấp thẩm quyền hiện vẫn phải tuân theo quy định không cấp phép cho các bãi đỗ xe mới dưới gầm cầu đường bộ.
Ngoài ra, cũng tại Điều 10 văn bản hợp nhất còn quy định nhiều vấn đề khác liên quan đến quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ như: Trước khi mở rộng địa giới khu vực nội thành, nội thị có đường bộ đi qua, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải xây dựng đường gom và các điểm đấu nối theo quy định tại Thông tư này đối với đoạn đường bộ sẽ nằm trong nội thành, nội thị.
Các đường từ nhà ở chỉ được đấu nối vào quốc lộ thông qua đường nhánh; các đường đã có từ trước phải được xóa bỏ và thay thế bằng đường gom theo quy hoạch các điểm đấu nối đã được phê duyệt.
Cùng với đó, việc sử dụng hành lang an toàn ở nơi đường bộ, đường sắt chồng lấn phải có văn bản chấp thuận của cơ quan quản lý đường bộ, cơ quan quản lý đường sắt có thẩm quyền.
Đồng thời cũng quy định việc quảng cáo trong hành lang an toàn đường bộ chỉ được thực hiện tạm thời khi điều kiện địa hình bên ngoài hành lang an toàn đường bộ không thực hiện được.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận