ĐBQH Dương Trung Quốc |
Báo Giao thông trao đổi với ĐBQH Dương Trung Quốc, người đã đề cập đến vấn đề văn hóa từ chức trên nghị trường Quốc hội tại phiên chất vấn cuối tuần qua. Ý kiến của ông Quốc đã nhận được sự chia sẻ và đồng tình của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Tạo điều kiện cho những ai muốn “rút lui trong danh dự”
Tại Quốc hội khóa XIII, ông từng đề cập đến vấn đề văn hóa từ chức khi chất vấn người đứng đầu Chính phủ. Và tại phiên chất vấn Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, ông tiếp tục đề cập vấn đề này. Vì sao ông quan tâm vấn đề văn hóa từ chức đến vậy?
Thực ra, từ chức là chuyện hết sức bình thường, không phải chuyện gì lạ cả. Không phải trên thế giới mà ngay ở nước ta cũng thế thôi. Chúng ta chắc hẳn còn nhớ đến câu chuyện của nguyên Tổng Bí thư Trường Chinh, khi ông mắc sai lầm thì đã xin từ chức, rồi sau đó chính ông lại phấn đấu để tiếp tục trở thành một nhà lãnh đạo giữ vai trò quan trọng trong công cuộc đổi mới. Nói như vậy để thấy rằng, việc từ chức là thể hiện trách nhiệm, lòng tự trọng và liêm sỉ của mỗi người, đó là những phẩm chất rất cần thiết.
Tại Quốc hội khóa XIII, tôi nhớ thời điểm khi Quốc hội chuẩn bị lần đầu tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, đó chính là dấu hiệu để nhắc nhở, cảnh báo những cán bộ, lãnh đạo được lựa chọn, nếu không làm tốt sẽ thấy ngay được hậu quả của nó. Giờ đây, Đảng đã có Nghị quyết T.Ư 4 đề cao vai trò của những lãnh đạo. Thủ tướng cũng nhiều lần đưa ra thông điệp hướng tới xây dựng một Chính phủ liêm chính. Đó là điều kiện rất thích hợp để một lần nữa đề cập đến vấn đề văn hóa từ chức. Bởi bên cạnh việc chúng ta nghiêm khắc đấu tranh loại trừ những người có sai phạm, thì cũng nên tạo ra hành lang pháp lý để những người liêm chính cảm nhận được sự cần thiết phải rút lui trong danh dự, nhận được sự chia sẻ của xã hội.
Thời điểm này, tôi đặt ra vấn đề văn hóa từ chức không phải mới nữa, nhưng chúng ta phải tìm ra nguyên nhân vì sao văn hóa này không đi vào đời sống, trong khi tất cả định hướng của Đảng, của Chính phủ đều hướng tới xây dựng bộ máy chính quyền có hiệu quả, hiệu lực, có năng lực, liêm chính.
Với câu trả lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nội dung chất vấn liên quan đến văn hóa từ chức của ông, ông có cảm thấy thoả mãn?
Không chỉ tôi mà có ĐBQH khác cũng nêu vấn đề này và Thủ tướng đã đồng tình “văn hóa từ chức là cần thiết”. Thủ tướng ghi nhận và đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu thủ tục, quy trình pháp lý tạo điều kiện cho việc từ chức. Câu trả lời của Thủ tướng tôi thấy như thế là hợp lý, còn bước đi thế nào thì phải chờ.
Chức vụ gắn với quyền lợi, bổng lộc nên… khó từ chức
Lâu nay, chức tước gắn liền với quyền lực và bổng lộc. Nếu người nào từ chức đồng nghĩa với việc họ sẽ không có cả quyền lực và bổng lộc. Đây liệu có phải lý do khiến việc từ chức rất khó khăn?
Tôi cho rằng, việc này lâu nay khó thực hiện do nặng về hai nguyên nhân: Thứ nhất là do có lợi ích cụ thể và thứ hai là do tâm lý từ chức giống như một án kỷ luật. Tới đây, chúng ta phải chuẩn bị thay đổi dần tâm thế, nhận thức về vấn đề này.
Ông có cho rằng, ngoài bổng lộc thì truyền thống “thích làm quan” khiến việc từ chức chưa bao giờ dễ dàng?
Điều đó có thể nhưng chúng ta phải tạo ra sự thay đổi chứ.
Thực tế lâu nay không ít người vin vào lý do chức vụ họ đảm trách do Đảng và Nhà nước giao, nếu từ chức chẳng khác nào từ chối nhiệm vụ mà Đảng phân công. Lý giải như vậy có hợp lý, thưa ông?
Đó chỉ là cách nói ngụy biện thôi và tôi cũng cho rằng, trên thực tế chỉ có số ít những người có suy nghĩ đó. Tôi tin chắc có những người muốn tự nguyện rút lui trong sự kính trọng của mọi người. Khi ấy, họ cũng có làm khác hay làm sai trách nhiệm của Đảng và Nhà nước giao phó cho họ đâu? Vì thế nên cách giải thích nêu trên chỉ là cách nói, cách suy nghĩ hay biện hộ của số ít người. Tôi cho rằng, tới đây chúng ta cần tạo ra môi trường thì mới xây dựng được một tập quán, một nét văn hóa, còn cứ nói chung chung như thời gian qua thì mãi mãi cũng chỉ có thế thôi.
Khi trả lời chất vấn về vấn đề này, Thủ tướng cũng nói người nào ốm đau, người nào có những hoàn cảnh, điều kiện bắt buộc thì có thể từ chức. Nó cũng giống như bây giờ chúng ta hội nhập thế giới, ta phải biết ngoại ngữ trong một số công việc nhất định, nếu anh không biết ngoại ngữ thì làm sao làm được việc đó. Khi ấy, tại sao không để anh rút lui một cách bình thường, chủ động?
Tôi cho rằng, chẳng có gì khó khăn cả. Trước hết, chúng ta hãy coi văn hóa từ chức là chuyện hết sức bình thường, thậm chí trong chừng mực nào cần khai thác được mặt tích cực của việc này. Những người có liêm sỉ, vì lợi ích chung, khi mình không thể cống hiến tốt thì hãy dành cơ hội đó để cho người khác làm tốt hơn.
Có ý kiến cho rằng, chúng ta không nên có những quy chế về từ chức, mà ta nên tạo ra quy định dễ dàng, thủ tục đơn giản bởi vì từ chức là văn hóa, đạo đức, là sự thôi thúc của đạo đức trước tiên. Luật không thể điều chỉnh được lĩnh vực đạo đức. Quan điểm của ông thế nào?
Dễ dàng hay không là do chính mình, do con người quyết định. Nhưng tôi vẫn cho rằng, cần phải có quy chế, quy trình cụ thể để cho xã hội thấy đó là chuyện hết sức bình thường, xã hội chia sẻ với chuyện đó. Lâu nay chúng ta chỉ có một giải pháp là buộc từ chức - tức là dùng biện pháp hành chính. Trong nhiều trường hợp, tôi cho đây cũng là điều cần thiết, song không phải hoàn toàn tối ưu, nhất là trong việc tạo hiệu ứng xã hội.
Hãy coi từ chức là chuyện hết sức bình thường
Từ chức thực chất là thôi công việc mình đang làm. Nhưng theo ông, vì sao trong lĩnh vực tư nhân, việc thôi đảm nhiệm một chức vụ nào đó rất đơn giản, mà trong các cơ quan Nhà nước lại rất khó xảy ra trường hợp này?
Đơn giản thôi, vì nó gắn liền với quyền lợi. Và đôi khi trong lĩnh vực Nhà nước nó còn có liên quan đến cả thủ tục nữa. Cái làm chúng ta băn khoăn lớn nhất chính là chức vụ ở ta luôn gắn liền với lợi ích. Nhưng thực sự mà đánh giá, nếu theo đúng chuẩn mực, quy định Nhà nước thì lợi ích này không hề lớn, chỉ có những người lợi dụng để trục lợi, tiêu cực và có được lợi ích lớn thì mới tha thiết với chức vụ thôi. Và tôi tin không phải tất cả mọi người đều như thế.
Ông có tin tưởng văn hóa từ chức thời gian tới sẽ được cải thiện, nhất là khi Thủ tướng đã giao Bộ Nội vụ nghiên cứu quy định này?
Tôi tin tưởng trước sau cũng sẽ được thực hiện thôi. Bởi hiện nay ta đi ngược lại với lịch sử. Trước kia các cụ từ quan rất nhiều. Đôi khi chỉ là vì đạo lý xã hội, hoặc một người cảm thấy không tán thành đường lối nào đó họ cũng từ chức một cách hết sức khí khái. Ta bây giờ cũng phải khuyến khích những cái đó.
Cảm ơn ông!
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: Việc lấy phiếu tín nhiệm tại nhiệm kỳ này chưa bàn đến, nhưng theo định hướng cũ là lấy một lần trong một nhiệm kỳ và theo quy định là tiến hành vào giữa nhiệm kỳ. Việc lấy phiếu vừa qua có tác động rất tốt, vừa tạo sự lan tỏa. Nhiều đồng chí Bộ trưởng, trưởng ngành sau khi lấy phiếu đánh giá thì thấy rằng cần có điều chỉnh, tập trung lãnh đạo điều hành thì mới tốt được. Ví dụ như Bộ Y tế, Ngân hàng Nhà nước lúc đầu phiếu tín nhiệm còn thấp, nhưng sau đó tốt lên. Về quan điểm cần tổng kết, đánh giá giám sát về những cam kết của "tư lệnh" trước Quốc hội để việc lấy phiếu phản ánh khách quan, tôi cho rằng cần thiết. Chính những cuộc chất vấn này và sự đánh giá của cử tri là một trong những thước đo làm cơ sở để ĐBQH đánh giá thành viên Chính phủ. Bộ trưởng hôm nay trả lời như thế này, kỳ họp sau lại chất vấn, người ta sẽ theo dõi lời hứa của Bộ trưởng trước cử tri và thực hiện ra làm sao. Hứa thì cử tri đồng tình nhưng quan trọng là thực hiện lời hứa. Kết quả thực hiện là cơ sở để người ta bỏ phiếu tín nhiệm. Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn cũng có quy định liên quan vấn đề từ chức. Theo đó, Điều 10 về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm quy định: Người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức. Người được lấy phiếu tín nhiệm có từ 2/3 tổng số ĐBQH, đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội, Thường trực Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân bỏ phiếu tín nhiệm. Điều 15 về Hệ quả đối với người không được Quốc hội, Hội đồng nhân dân tín nhiệm cũng thể hiện rõ: Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa tổng số ĐBQH, đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá “không tín nhiệm” thì có thể xin từ chức; Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó. Hoài Vũ (Ghi) |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận