Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chiều 17/2 cho biết đã có bản góp ý cho Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ gửi Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương. Trong bản góp ý này, VCCI đã chỉ ra một số bất cập với cơ quan soạn thảo.
Nhiều nội dung quy định về phát triển, quản lý chợ do Bộ Công thương soạn thảo chưa hợp lý. Ảnh minh hoạ
Tăng gánh nặng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp
Góp ý cho Dự thảo VCCI cho biết, quy định tại khoản 3 Điều 9 Dự thảo, doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh khai thác và quản lý chợ phải trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt Nội quy chợ.
“Quy định này sẽ tạo gánh nặng về chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp, khi doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục xét duyệt mới được phép áp dụng”, Ban Pháp chế VCCI đánh giá.
Bởi nội dung chính của Nội quy chợ phần lớn đều dựa trên quy định pháp luật hiện hành, dù có hay không thì doanh nghiệp cho thuê và doanh nghiệp thuê đều phải tuân thủ. “Do đó, không cần thiết cơ quan nhà nước phải xét duyệt Nội quy chợ”, VCCI góp ý.
Một số nội dung cũng được VCCI góp ý như tiêu chí phân biệt chợ dân sinh, chợ đầu mối… chưa rõ ràng. Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo rà soát và điều chỉnh lại các quy định về giải thích từ ngữ để có thể phân biệt rõ ràng các loại chợ.
Mặt khác, Điều 10 Dự thảo quy định về nội dung chính của Nội quy chợ. Doanh nghiệp có thể dựa vào quy định này để xây dựng nội quy. Cơ quan nhà nước có thể quản lý bằng hình thức hậu kiểm, nếu nhận thấy nội dung nào chưa phù hợp sẽ yêu cầu doanh nghiệp chỉnh sửa.
“Hơn nữa, xét về tính minh bạch, Dự thảo không quy định về trình tự, thủ tục để doanh nghiệp được phê duyệt Nội quy chợ. Điều này sẽ gây khó khăn trên thực tế áp dụng”, VCCI nêu vấn đề.
Từ các phân tích trên, để đảm bảo thuận lợi cho doanh nghiệp, VCCI đã đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định doanh nghiệp phải xin phê duyệt Nội quy chợ quy định tại khoản 3 Điều 9 Dự thảo này.
Ngoài ra, Điểm a khoản 1 Điều 11 tại Dự thảo quy định doanh nghiệp/hợp tác xã kinh doanh khai thác chợ phải “lập phương án bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh tại chợ, trình UBND cấp có thẩm quyền phê duyệt”.
Theo VCCI, nội dung này cũng chưa hợp lý bởi các ngành nghề kinh doanh đã được quy định tại pháp luật chuyên ngành, doanh nghiệp sẽ phải tuân thủ và do các cơ quan quản lý chuyên ngành quản lý.
Việc bố trí, sắp xếp ngành nghề kinh doanh, sử dụng điểm kinh doanh là hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp/hợp tác tã kinh doanh khai thác sợ.
“Vì vậy, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện phê duyệt phương án kinh doanh là chưa phù hợp, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ và dường như can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp”, VCCI cho hay.
Mặt khác, cơ quan này cũng cho rằng, xét về tính minh bạch, không rõ cơ quan nhà nước sẽ dựa vào tiêu chí gì để phê duyệt các phương án này? Trình tự thủ tục như thế nào?
Do đó, để đảm bảo tính hợp lý, VCCI đã đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định nêu ở trên.
Can thiệp hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Một bất hợp lý khác trong Dự thảo được VCCI chỉ rõ là: Khoản 4 Điều 11 Dự thảo quy định “Thời hạn sử dụng hoặc thuê điểm kinh doanh tại chợ của thương nhân không vượt quá thời hạn do UBND tỉnh quy định”.
VCCI chỉ rõ, quy định này là chưa hợp lý trong trường hợp doanh nghiệp/hợp tác xã quản lý, kinh doanh chợ. Bởi các giao dịch về thuê địa điểm kinh doanh giữa doanh nghiệp/hợp tác xã quản lý, kinh doanh chợ với thương nhân kinh doanh tại chợ trên cơ sở thỏa thuận giữa hai bên.
Việc yêu cầu thời hạn sử dụng hoặc thuê địa điểm kinh doanh không vượt quá thời hạn do UBND tỉnh quy định, VCCI cho rằng đã can thiệp vào quyền tự do thỏa thuận của hai bên.
“Về quản lý, Nhà nước đã có pháp luật về đất đai quản lý về đất xây dựng chợ; Pháp luật về quy hoạch, xây dựng quản lý về vấn đề đầu tư, xây dựng chợ; Pháp luật về chất lượng sản phẩm hàng hóa, phòng cháy chữa cháy, an toàn thực phẩm… quản lý về vấn đề kinh doanh trong chợ. Vì vậy, không cần thiết phải can thiệp vào những giao dịch của chủ thể quản lý với các thương nhân kinh doanh trong chợ”, Ban Pháp chế VCCI phân tích.
Chính vì vậy, nội dung này trong Dự thảo cũng bị VCCI đề nghị Ban soạn thảo bãi bỏ.
Một số nội dung khác Dự thảo như quy định về việc “sang nhượng, cho thuê lại địa điểm kinh doanh” hay quy định về việc “cho thuê khai thác tài sản kết cấu hạ tầng chợ” và “chuyển nhượng có thời hạn tài sản kết cấu hạ tầng chợ” cũng được VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bãi bỏ.
Được biết, Dự thảo Nghị định về phát triển và quản lý chợ đang được Bộ Công thương gửi đi lấy ý kiến góp ý của các bên có liên quan trước khi ban hành để áp dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận