Dự thảo này đang được Bộ Công thương lấy ý kiến rộng rãi với tổng công suất đặt nguồn điện đến năm 2030 sau khi rà soát là 130.371 MW. Trong đó, sau khi tăng thêm, nhiệt điện than đạt ngưỡng 40.649 MW.
Góp ý cho dự thảo, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) kiến nghị cần xem xét tính khả thi của các dự án điện than trong bối cảnh giá than đang tăng cao.
Theo số liệu thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), giá than nhập khẩu tháng 7 tăng 17,5% so với tháng 6/2021, tăng 51,8% so với bình quân 6 tháng đầu năm 2021 và tăng 250% so với bình quân năm 2020 (tăng từ 98,8 USD/tấn bình quân 6 tháng đầu năm 2021 lên 150 USD/tấn tháng 7/2021 và 159,7 USD/tấn trong 10 ngày đầu tháng 8/2021).
Dự thảo Quy hoạch điện VIII sau rà soát, tăng thêm 3.000 MW điện than và giảm hơn 8.000 MW NLTT so với tờ trình vào tháng 3/2021. Ảnh: Minh họa
Với tình hình biến động về giá nhiên liệu đầu vào trong 8 tháng đầu năm 2021 như trên, EVN cho biết đã khiến cho chi phí sản xuất và mua điện của tập đoàn tăng tới 16.600 tỷ đồng. Và còn khó dự báo biến động về giá nhiên liệu đầu vào trong các tháng cuối năm 2021.
Diễn biến giá than thế giới cũng cho thấy, sau khi rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010 vào ngày 7/9/2020, đạt 48,5 USD/tấn, giá than đã đảo chiều tăng mạnh, lần lượt phá vỡ các mức đỉnh đã đạt được trong lịch sử.
Cụ thể, vào ngày 7/6/2021, giá than đã phá vỡ mức đỉnh 119,9 USD/tấn đạt được vào tháng 7/2018 và đến ngày 1/7 vượt qua mức đỉnh lịch sử 10 năm 130,95 USD/tấn đạt được vào tháng 2/2011.
Trong một báo cáo của Công ty TNHH Chứng khoán Yuanta Việt Nam, giá than tăng do hạn chế về nguồn cung và nhu cầu tăng mạnh. Nhu cầu than gia tăng mạnh tại các nước châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Theo tính toán của VSEA, với giá than tăng lên 150-160 USD mỗi tấn, tương ứng với giá điện sẽ vào khoảng từ 10-11 UScent/kWh.
Cũng theo VSEA, trong 10 năm chính của quy hoạch (2021-2030), nhiệt điện than tăng khoảng 22.000 MW từ nay đến năm 2030, đưa tổng công suất điện than năm 2030 lên gần gấp đôi so với mức hiện có của năm 2020. Giai đoạn 2030-2045, điện than dự kiến tăng thêm khoảng 8.000 MW nữa.
Để tạo điều kiện khai thác hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, theo VSEA, QHĐ VIII nên đưa giải pháp khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư lưới điện và xem xét ngay việc nghiên cứu ứng dụng giải pháp pin tích trữ không gây hại môi trường.
Đồng thời, cần có chính sách tạo điều kiện kết hợp với nắm bắt công nghệ tiên tiến của thế giới để bộ đôi NLTT và lưu trữ ở quy mô lớn, trung bình, nhỏ tham gia vận hành ngành điện trong tương lai...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận