Thị trường

Quy hoạch điện VIII: Giải pháp huy động vốn sơ sài, khó khả thi

09/03/2021, 17:29

Chuyên gia ngân hàng Phạm Xuân Hòe nghi ngờ toàn bộ tính khả thi của QHĐVIII khi không huy động được vốn để thực hiện...

img

Huy động nguồn vốn cho phát triển điện lực rất khó khăn, bởi chủ yếu là nguồn vốn dài hạn, có thời gian vay tối thiểu từ 7-30 năm.

Giải pháp huy động vốn sơ sài

Góp ý vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII (QHĐVIII), nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN Phạm Xuân Hòe cho biết, ông đã giật mình về tính sơ sài, thậm chí nghi ngờ toàn bộ tính khả thi của Dự thảo khi còn nhiều câu hỏi đặt ra còn bỏ ngỏ trong vấn đề huy động vốn.

Đó là, nguồn vốn huy động từ đâu? Thành phần kinh tế nào? Trong nước, ngoài nước? Chủ trương xã hội hội hóa nguồn vốn phát triển năng lượng nói chung và điện nói riêng đã cụ thể hóa được định hướng chỉ đạo tại NQ 55/BCT của Bộ chính trị chưa?

Hay là các chính sách quan trọng như tài khóa xanh, tín dụng xanh được sử dụng ra sao để thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT)…

Theo ông Hòe, Dự thảo đã đề cập vào đến 4 nội dung về nguồn vốn như: Cơ sở tính toán nguồn vốn đầu tư; Tổng số vốn đầu tư cho cả giai đoạn 2021-2045 & phân kỳ cho từng giai đoạn; Phân bổ nguồn vốn đầu tư cho danh mục các loại nguồn phát điện & cơ cấu nguồn vốn cho đường dây chuyển tải hay cơ sở phát điện; Phần giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư từ EVN hay thành phần kinh tế khác.

Dự án cũng đã chỉ rõ, nguồn vốn đầu tư cho điện cả hai giai đoạn xấp xỉ 13 tỷ USD.

Tuy nhiên, nguồn vốn dành cho nhiệt thiện than (NĐT) vẫn được tính toán khá lớn, chiếm khoảng 19,3% tổng nguồn vốn đầu tư giai đoạn 2021-2030, tương tự từ 2030-2045 vẫn huy động vốn tới 9,5%. "Điều này đi ngược lại xu thế thoái vốn của thế giới", ông Hòe nhận định.

Hơn nữa, việc QHĐVIII đề xuất có thể xem xét việc cấp bảo lãnh của Chính phủ cho một số dự án điện là không thực tế, bởi nợ công của Việt Nam tuy có giảm xuống nhưng thách thức từ ngân sách cho phát triển còn rất lớn, vì tỷ lệ dành cho đầu tư không gia tăng được và làm ảnh hưởng lớn đến các cân đối khác của đất nước.

Cũng theo ông Hòe, phần giải pháp huy động vốn đầu tư cho phát triển điện nêu trong QHĐVIII còn quá sơ sài, gần như không cụ thể hóa được định hướng rất rõ của NQ55/BCT của Bộ chính trị.

Cụ thể, không có giải pháp cụ thể cho huy động nguồn vốn, điều tiết nguồn lực cho phát triển nguồn điện; Không có giải pháp cụ thể trong huy động nguồn vốn phát triển điện từ vốn đầu tư ngoài nhà nước.

Đáng chú ý, không có giải pháp cụ thể cho huy động vốn từ nguồn tín dụng xanh; Không cụ thể giải pháp về Quỹ này trong phát triển nguồn điện của Việt Nam...

Trung Quốc muốn dịch bỏ nhà máy nhiệt điện than sang Việt Nam?

"Việt Nam chưa có một cơ quan đầu mối thực thi quốc gia để tiếp cận các nguồn vốn xanh, chống biến đổi khí hậu từ các Quỹ đầu lớn như Quỹ khí hậu xanh toàn cầu (GCF), Quỹ thích ứng (AF), Quỹ môi trường toàn cầu (GEF), và các quỹ đầu tư xanh của khu vực tư nhân.

Do vậy, việc tiếp cận các điều kiện quy trình để có thể tiếp cận dòng vốn xanh quốc tế rất lớn có mức phí và lãi suất rất thấp, thời hạn cho vay dài của doanh nghiệp Việt Nam còn rất khó khăn", nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược NHNN Phạm Xuân Hòe

Nhận định về việc huy động vốn hiện nay, ông Hòe cho rằng: "Huy động vốn cho phát triển kinh tế của các nước đang phát triển như Việt Nam luôn là bài toán rất nan giải, trong khi huy động nguồn vốn cho phát triển điện lực còn khó khăn hơn, bởi chủ yếu là nguồn vốn dài hạn, có thời gian vay tối thiểu từ 7-30 năm".

Theo ông Hòe, chúng ta đang ở trong làn sóng thoái vốn khỏi điện than của thế giới diễn ra ngày một mạnh mẽ hơn. Thậm chí làn sóng này lan sang cả những người gửi tiền tại các ngân hàng thương mại (NHTM), họ từ chối gửi khoản tiền của mình vào các NHTM cho vay đối với NĐT.

Trong khi, hiện tại, gần như chỉ còn Trung Quốc mong muốn tài trợ cho NĐT để họ chuyển dịch bỏ đi các nhà máy NĐT của họ.

Từ đó, thông qua các điều kiện vay vốn, chỉ định nhà thầu và chính sách mềm về ngoại giao, khoản nợ đó sẽ mang lại nhiều hệ lụy mà Việt Nam đã có nhiều bài học nhãn tiền như dự án phân đạm Ninh Bình, gang thép Thái nguyên.

Bên cạnh đó, việc EVN có thể độc lập ban hành văn bản ngừng đấu nối & ký kết thỏa thuận mua điện mặt trời làm cho một số các NHTM lập tức dừng xem xét cho vay điện mặt trời áp mái của hộ dân…

Chưa kể, việc sử dụng công cụ tài chính như thuế, phí, giá trong khuyến khích sử dụng NLTT, giảm phát thải CO2 còn đang dừng chủ trương mà chưa được thể chế hóa bằng văn bản quy phạm pháp luật.

"Đây là một trong khó khăn rất lớn để động viên nguồn lực đầu tư tư nhân vào phát triển nguồn điện tái tạo như điện mặt trời, điện gió...", ông Hòe nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.