Đường Lê Văn Lương tiếp tục "mọc" chung cư
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, năm 2002, Hà Nội ban hành Quyết định về việc phê duyệt quy hoạch chi tiết tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân (nay là đường Lê Văn Lương), tỷ lệ 1/500.
Theo đó, trục đường này có 15 ô đất quy hoạch khu nhà ở xây dựng mới, chủ yếu xây dựng từ 9-18 tầng. Ô Đất 3.10-NO là 1 trong 15 lô và được quy hoạch với mục đích là đất xây dựng nhà ở cao tầng, cao trung bình 6,5 tầng.
Chung cư đang tiếp tục "mọc" trên trục đường Lê Văn Lương
Năm 2012, Hà Nội ban hành Quyết định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch khu đất này. Theo đó, chiều cao công trình khối văn phòng 3-16 tầng, khối nhà chung cư 3-25 tầng, nhà trẻ 4 tầng. Quy mô dân số 800 người.
Năm 2019, Hà Nội ban hành Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư đã cấp năm 2013. Khi này, cả 2 khối nhà đều được nâng lên cao bằng nhau 25 tầng và trở thành toà nhà hỗn hợp gồm cả chức năng ở.
Hiện nay, dự án đang triển khai xây dựng Dự án đầu tư xây dựng khu hỗn hợp văn phòng cho thuê - nhà ở tại ô đất 3.10-NO (Handico Complex). Dự án do liên danh Công ty TNHH nhà nước một thành viên Kinh doanh dịch vụ Nhà Hà Nội và Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội - (Handico) làm chủ đầu tư. Quy mô dự án khoảng 11.000m2; sau khi hoàn thành sẽ "nhồi" thêm vào tuyến đường Lê Văn Lương 564 căn hộ, 1.554 người.
Đây là một trong số nhiều toà nhà đã và đang được "chồng" tầng, gây áp lực không nhỏ đến hạ tầng xã hội và hạ tầng giao thông. Bởi trước đó, Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã có kết luận thanh tra (Kết luận số 39) chỉ ra nhiều vi phạm trong điều chỉnh quy hoạch đất hai bên tuyến đường này và đường Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình.
Theo đó, hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, thực hiện cụ thể hóa quy hoạch chung, UBND thành phố Hà Nội đã lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5.000, 1/2.000, 1/500 từ những năm 1999; các quy hoạch phân khu đô thị từ năm 2013-2015 làm cơ sở để lập thẩm định phê duyệt quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý đầu tư xây dựng, cấp giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, nhiều đơn vị điều chỉnh quy hoạch sai quy định, nhồi cao ốc tăng gấp 6 lần.
Hà Nội vi phạm trong điều chỉnh quy hoạch dự án hai bên trục đường Lê Văn Lương (Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội). Cụ thể: Quy hoạch chi tiết hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 có 8 dự án có chỉ tiêu quy hoạch không phù hợp quy hoạch phân khu được phê duyệt năm 2015.
Quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500 hai bên đường Lê Văn Lương phê duyệt năm 2016 không tuân thủ quy định của Thủ tướng Chính phủ. Đó là sau khi di dời, các cơ quan đã không ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, hạ tầng xã hội, kỹ thuật đô thị mà đầu tư xây dựng công trình hỗn hợp như 2 dự án tại ô đất 1.1-CQ, ô đất 1.2-CQ, ô đất 7.2-CQ. Cùng với đó có nhiều nội dung về chỉ tiêu hạ tầng xã hội, cây xanh vi phạm quy chuẩn xây dựng...
Theo Thanh tra Bộ Xây dựng, quy hoạch chi tiết phê duyệt lần đầu đã cơ bản nghiên cứu tính toán sự đáp ứng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Song khi thực hiện triển khai quy hoạch lại theo đề xuất chủ đầu tư, đã nhiều lần điều chỉnh đồ án hoặc điều chỉnh cục bộ hoặc chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc rồi tiếp tục điều chỉnh cho từng dự án theo xu hướng: Chuyển đổi công năng thành nhà ở, tăng thêm tầng cao, tăng thêm diện tích sàn có dự án điều chỉnh 5 lần, nhiều dự án chuyển chức năng từ văn phòng, từ công cộng thành hỗn hợp văn phòng, dịch vụ thương mại và căn hộ chung cư để bán, có dự án điều chỉnh tăng từ 5 tầng thành 30 tầng.
Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định, việc điều chỉnh sai quy định dẫn đến tình trạng tăng dân số, chỉ tiêu quy hoạch không đảm bảo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam (QCXDVN) đối với từng dự án, từng ô quy hoạch, từng khu quy hoạch và đô thị, thiếu đất giáo dục, trường học, thiếu diện tích cây xanh, các công trình phục vụ không đảm bảo bán kính phục vụ.
Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm
Trước thực trạng hàng chục chung cư cao tầng mọc ven đường Lê Văn Lương gây áp lực giao thông, thường xuyên xảy ra ùn tắc và những sai phạm đã Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra, cử tri quận Cầu Giấy đề nghị thành phố xem xét kiểm tra lại chủ trương quy hoạch, xử lý trách nhiệm của cán bộ nếu có sai phạm.
Chung cư cao tầng "băm nát" quy hoạch trục đường Lê Văn Lương
Thế nhưng, trong văn bản trả lời cử tri của Hà Nội cho thấy, Hà Nội không thẳng thắn chỉ rõ: Có hay không việc vi phạm chủ trương quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương? Ai chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm thế nào?
Thay vào đó, Hà Nội khẳng định, chủ trương quy hoạch tuyến đường Lê Văn Lương đảm bảo thống nhất xuyên suốt các thời kỳ quy hoạch từ trước tới nay. Trong quá trình thực hiện điều chỉnh chiều cao chung cư hai bên trục đường Lê Văn Lương đã có sự thống nhất của Bộ Xây dựng.
Hà Nội cho rằng, nguyên nhân thường xuyên ùn tắc trên tuyến đường Lê Văn Lương là do lưu lượng giao thông vào nội đô lớn, hệ thống giao thông khu vực còn chưa được đầu tư đầy đủ.
Trước tình trạng vòng vo, đùn đẩy, chưa có người chịu trách nhiệm, TS Trương Xuân Cừ, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, để làm rõ đúng sai cần có điều tra và đưa ra kết luận chính thống ở tầm cao hơn là Thanh tra Chính phủ, làm cơ sở để chấm dứt các tranh luận liên quan tới vấn đề này.
TS Trương Xuân Cừ nhấn mạnh, với 2km "cõng" 33 dự án chung cư cùng 100.000 dân, tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu đang quá tải. Trước hết trách nhiệm vấn đề này thuộc về UBND TP.Hà Nội và các cấp chính quyền.
Tuy nhiên, trách nhiệm cụ thể thuộc về người nào và mức độ xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật thì cần phải có sự vào cuộc của cơ quan thực thi pháp luật, cơ quan công an.
Theo ông Cừ, cần làm rõ có hay không những sai phạm, tiêu cực, lợi ích nhóm trong điều chỉnh quy hoạch đường Lê Văn Lương và các khu vực khác ở thủ đô Hà Nội để xử lý triệt để tình trạng này.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho rằng, các căn cứ và kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng và TP Hà Nội đều có cơ sở.
Tuy nhiên, có nhiều bất cập trong quá trình điều chỉnh và thực hiện quy hoạch dẫn tới bất cập hiện nay. Mặc dù Luật không cấm việc điều chỉnh quy hoạch nhưng nếu có sai sót, có "lợi ích nhóm" trong việc liên tục điều chỉnh quy hoạch thì cần phải được xử lý.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cũng nhìn nhận, kết luận thanh tra mới chỉ là thanh tra chuyên ngành phát hiện vi phạm ở bước khởi đầu, chỉ ra trách nhiệm chung chung nhưng đã có nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Do vậy, cần phải mở rộng xem xét, điều tra mới đảm bảo chính xác trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan có vi phạm. Trong đó, đặc biệt chú trọng xem xét vai trò người đứng đầu các cơ quan như Sở Quy hoạch Kiến trúc, Sở Xây dựng, UBND TP.Hà Nội… để xử lý tùy theo mức độ, không loại trừ hình sự nếu có.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận