Khu vực ga Hà Nội là đầu mối giao thông quan trọng trong khu vực nội đô |
Liên quan đến đề xuất của Hà Nội về việc xây ga Hà Nội 40-70 tầng, Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi cũng cho hay: "Từ những thông tin báo chí phản ánh, tôi cho rằng việc xây dựng tổ hợp trung tâm thương mại ở nhà ga là phù hợp với Luật Đường sắt 2017. Tuy nhiên, phải nghiên cứu một cách tổng thể. Vì quy hoạch ga Hà Nội tương lai thế nào, kết nối đường bộ, kết nối giao thông đô thị, đặc biệt là đường sắt đô thị ra sao thì mới ra được quy mô nhà ga."
"Vấn đề là chưa có quy hoạch tổng thể tương lai nhà ga Hà Nội một cách đầy đủ. Phải có quy hoạch tổng thể và chi tiết toàn khu ga cho tương lai là thế nào mới rõ khối nào bao nhiêu tầng, làm gì, mở rộng đường bộ ra sao, kết nối đường sắt đô thị như thế nào và cả quy hoạch đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, đường nào đi trên, đường nào đi dưới…”, ông Khôi nói và cho rằng, quy hoạch này phải bám sát Luật Đường sắt, Luật Thủ đô và phải nhất quán từ Chính phủ đến Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội. Đồng thời, nêu rõ mục tiêu của các tòa nhà cao tầng làm gì và lấy ý kiến cộng đồng.
Theo ông Trần Thiện Cảnh, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN, tổng công ty đang mời gọi các nhà đầu tư để cải tạo, sửa chữa nhà ga hiện có, còn tương lai theo quy hoạch như thế nào, phụ thuộc hoàn toàn vào Bộ GTVT vì Bộ GTVT là cơ quan quản lý nhà nước chủ quản. Quỹ đất tại ga Hà Nội hiện nay đã có chỉ giới đường đỏ được Hà Nội phê duyệt và thuộc dự án tuyến đường sắt đô thị số 1, không thuộc Tổng công ty Đường sắt VN.
Ông Cảnh cho biết, quy hoạch Hà Nội đề xuất phải hợp với xu thế chung, tính đến làm thế nào khai thác tốt nhất lợi thế quỹ đất ở đây. Còn theo phương án cũ xây 22 tầng khó kêu gọi được nhà đầu tư. “Trước đây, một tập đoàn lớn cũng đã tìm hiểu dự án cải tạo nhà ga hiện hữu nhưng thấy không đem lại giá trị thương mại gì lớn nên thôi và chuyển sang phương án 22 tầng trước kia. Tuy nhiên, họ thấy phương án này cũng không hấp dẫn nên không mặn mà nữa”, ông Cảnh cho hay.
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành về đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2000.
Quy hoạch cũng chia 9 phân vùng không gian chức năng gồm khu văn hoá thấp tầng, các khu tài chính, khu kiến trúc cao khoảng 40 - 70 tầng bố cục ở phía Bắc khu đất lập quy hoạch, khu thương mại quốc tế; khu lối sống mới cao khoảng 40 - 60 tầng, bố cục ở phía tây nam khu đất lập quy hoạch, khu nghỉ dưỡng đô thị cao 40 - 60 tầng, khu ga đường sắt cao 40 - 70 tầng được bố trí nằm tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch… Điểm nhấn của đồ án là các công trình cao từ 100 - 200 m xây dựng xung quanh khu vực hồ Linh Quang.
TP Hà Nội đưa ra tổng nhu cầu vốn đầu tư xây dựng khu vực trên khoảng 23.800 tỷ đồng. Trong đó, Hà Nội đảm nhận nguồn vốn khoảng 700 tỷ đồng để đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật. Chủ thể tuyến đường sắt đô thị số 3 đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến, nhà ga và các kết cấu ngầm của tuyến (khoảng 100 tỷ đồng); Chủ thể tuyến đường sắt đô thị số 1 đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng tuyến, ga Hà Nội và các công trình trong phạm vi khu đất ga Hà Nội (khoảng 3.000 tỷ đồng); Chủ đầu tư các dự án phát triển đô thị trong phạm vi quy hoạch đảm nhận nguồn vốn đầu tư xây dựng các công trình dự án của mình (khoảng 20.000 tỷ đồng).
UBND TP Hà Nội đang xin ý kiến các Bộ, ngành về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận, tỷ lệ 1/2.000. Đồ án này do Sở Quy hoạch - kiến trúc Hà Nội lập, với sự tư vấn của Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltđ - Nhật Bản (viết tắt là NSC). Tổng diện tích đất lập quy hoạch sẽ khoảng 98,1ha; với tổng dân số dự kiến khoảng 44.000 người (trong đó có tái định cư tại chỗ 100% dân số hiện trạng khoảng 40.300 người). Theo quy hoạch này, ga Hà Nội được xây dựng lại với chức năng là ga trung tâm tàu khách và tàu liên vận quốc tế đi tất cả các hướng; là ga trung tâm của tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi, có kết nối với các tuyến đường sắt đô thị số 3 trên phố Trần Hưng Đạo; là trung tâm về GTVT đa phương thức bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt, thương mại, kinh doanh, văn hóa... của Thủ đô. Liên quan đến việc tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan, quy hoạch cũng chỉ ra 9 phân vùng không gian chức năng, trong đó khu ga đường sắt cao 40-70 tầng được bố trí nằm tại khu vực trung tâm của khu quy hoạch. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận