Quản lý

Quy hoạch, phát triển của ngành GTVT có sức hấp dẫn lớn

13/05/2015, 19:39

Bộ trưởng Đinh La Thăng nói chuyện về Quy hoạch và phát triển GTVT với Lớp cán bộ nguồn cao cấp khóa 6.

 

Cát Lái
GTVT Việt Nam năm 2014 được Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng thứ 74 trên thế giới, tăng 29 bậc so với năm 2010

 Tháo gỡ điểm nghẽn GTVT

Chiều 13/5, Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi về thực tế "Quy hoạch và phát triển GTVT" với gần 100 học viên lớp cán bộ nguồn cao cấp khóa 6 Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 

Nội dung buổi trao đổi của Bộ trưởng Đinh La Thăng tập trung vào vấn đề Quy hoạch GTVT, thu hút hiệu quả các nguồn vốn xã hội hóa, phát triển cân đối hài hòa các lĩnh vực GTVT, quản lý hiệu quả ATGT, GTVT đi trước một bước làm nền tảng vững vàng cho đất nước tiến lên công nghiệp hóa vào năm 2020. 

DSC_0108
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: Để GTVT đi trước một bước, phát triển hài hòa và hiện đại, làm nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước là một thách thức vô cùng to lớn, cần có nhiều giải pháp hiệu quả và cần phải quyết liệt

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, muốn phát triển kinh tế - xã hội đất nước, GTVT phải đi trước một bước. Kinh nghiệm là cần làm tốt công tác quy hoạch phát triển, nỗ lực bằng nhiều giải pháp phù hợp hiệu quả để thực hiện bằng được quy hoạch, kế hoạch.

Muốn hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, giao thông phải thuận lợi. Muốn giảm chi phí cho nền kinh tế, phải giảm được chi phí vận tải. Mà muốn giảm chi phí vận tải, kết cấu hạ tầng phải được đầu tư xây dựng, phát triển hài hòa, các loại hình sắt, sông, biển, bộ, hàng không, mỗi loại đảm nhiệm vận tải loại hàng hóa đặc thù của mình và phải có tính kết nối cao, để mỗi loại hình phát huy được thế mạnh trong mạng lưới chung.

"Giảm TNGT, giảm ùn tắc giao thông đô thị là vấn đề nóng hiện nay, dù đã có nhiều giải pháp, xong để giải quyết triệt để, phải đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện, phát triển giao thông công cộng hiện đại, tổ chức giao thông thật hiệu quả", Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh.

Theo đó, mục tiêu của ngành GTVT đến 2020 là phải thực hiện được phát triển được một mạng lưới GTVT hài hòa, hiện đại và hiệu quả.

DSC_0110
Gần 100 học viên lớp cán bộ nguồn cao cấp khóa 6 Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh chăm chú theo dõi bài nói chuyện của Bộ trưởng Đinh La Thăng

Nhận thức rõ được tầm quan trọng của công tác lập quy hoạch, những năm qua, Bộ GTVT đã tập trung chỉ đạo việc xây dựng các đề án quy hoạch mới đi đôi với việc cập nhật bổ sung các quy hoạch đã được phê duyệt cho phù hợp với tình hình thực tế, hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật chuyên ngành. Đến nay, hầu hết các chiến lược, quy hoạch ngành GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt theo sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ với những định hướng trọng tâm.

Trong đó, thị trường vận tải phát triển có cơ cấu hợp lý, theo hướng tăng thị phần vận tải đường sắt, đường biển và đường thủy nội địa. Cọi trọng trước hết tới các hành lang vận tải chính. Chú trọng khai thác tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước. Nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí vận tải, góp phần giảm chi phí logistics của nền kinh tế xuống còn khoảng 15% GDP từ mức trên 26% GDP hiện nay.

Phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng GTVT phát triển hài hòa, hiện đại. Đặc biệt, trục dọc Bắc – Nam ưu tiên đầu tư, hoàn thành nâng cấp và mở rộng quốc lộ 1 quy mô 4 làn xe. Tập trung đầu tư xây dựng trước một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam. Đầu tư nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh và nâng cấp đoạn qua Tây Nguyên. Lựa chọn đầu tư những đoạn có nhu cầu trên tuyến đường bộ ven biển gắn với đê biển. Tập trung, ưu tiên nâng cấp, hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc-Nam hiện có. Tiếp tục nghiên cứu các phương án khả thi đầu tư mới đường sắt Bắc – Nam tốc độ cao khổ 1.435mm, trong đó ưu tiên trước đoạn Hà Nội - Vinh và TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang. Phát triển mạng đường bay theo mô hình trục nan với tần suất khai thác cao, dịch vụ trung chuyển tốt tại hai trung tâm là thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

IMG_3167
Đại diện Lớp Cán bộ nguồn cao cấp khóa 6 tặng quà kỷ niệm, cám ơn Bộ trưởng

Tăng cường huy động vốn xã hội hóa

Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, tất cả các quy hoạch, chiến lược phát triển GTVT đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt. Để triển khai, cần nguồn vốn rất lớn. Ngoài việc sử dụng hiệu quả vốn ngân sách, Bộ GTVT lên kế hoạch huy động các nguồn vốn đa dạng, ngoài ngân sách.

Nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng GTVT giai đoạn 2016-2020 (phần bộ GTVT trực tiếp quản lý) cần trên 1.015 ngàn tỉ đồng. Nếu không huy động được vốn xã hội hóa, mục tiêu giao thông đi trước mở đường, GTVT phát triển hiện đại sẽ không thể thực hiện được.

Theo Bộ trưởng, trong hơn 2 năm qua, 160 ngàn tỉ đồng vốn ngoài ngân sách đầu tư cho hạ tầng giao thông đã được huy động. Song nhu cầu cho những năm tới còn lớn hơn nữa, do đó nhiều phương thức đa dạng đang được tính toán triển khai, trong điều kiện vốn ngân sách có hạn và nợ công cao.

Việc gì tư nhân làm được và làm hiệu quả thì triệt để giao cho tư nhân làm; Đầu tư PPP; Dùng hạ tầng để phát triển hạ tầng - đều là những phương thức mới, song theo Bộ trưởng, sẽ có đầu ra rất lớn, đáp ứng được các nguồn vốn để đột phá phát triển KCHT. Hiện rất nhiều nhà đầu tư quan tâm tới các dự án GTVT, vấn đề mà chúng ta cần giải quyết là tạo cơ chế thu hút, đáp ứng thỏa đáng kỳ vọng của nhà đầu tư với nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội đất nước, đảm bảo ổn định xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng.

Tại buổi nói chuyện, các học viên lớp cán bộ nguồn cao cấp bày tỏ sự quan tâm đặc biệt tới thực tế phát triển ngành GTVT, cho rằng trong những năm qua, GTVT đã có sự phát triển nhanh chóng, đạt được những thành tựu lớn. Đặc biệt thời gian gần đây, trong điều kiện thắt chặt đầu tư công, song những đột phá trong huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giao thông đã đáp ứng được nhu cầu phục vụ cho quốc kế, dân sinh.

Nhiều nội dung các đồng chí cán bộ nguồn quan tâm đã được Bộ trưởng Đinh La Thăng trả lời thỏa đáng, như vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, vấn đề hài hòa lợi ích quốc gia với lợi ích địa phương và người dân, chất lượng đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.