Xã hội

Thủ tướng gợi mở "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá" để Đồng Nai phát triển

24/09/2024, 16:15

Thủ tướng chỉ rõ những lợi thế, tiềm năng khác biệt của Đồng Nai, đồng thời đề nghị tỉnh thực hiện tốt Quy hoạch, tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để có thể bứt phá thời gian tới.

Những lợi thế của Đồng Nai

Sáng 24/9, trong chương trình công tác tại Đồng Nai, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai.

Thủ tướng gợi mở "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá" để Đồng Nai phát triển- Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao tỉnh Đồng Nai và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan, địa phương, đối tác đã phối hợp chuẩn bị chu đáo hội nghị với nội dung kết hợp "2 trong 1": Công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Nai và xúc tiến đầu tư.

Dành thời gian phân tích về công tác quy hoạch, Thủ tướng nhấn mạnh, quy hoạch có vai trò rất quan trọng, tạo ra những cơ hội lớn, tác động lâu dài, là động lực quan trọng trong phát triển.

Quy hoạch phải đi trước một bước, sát thực tế, khả thi, phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của từng vùng, miền và địa phương.

Phân tích thêm về tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Đồng Nai, Thủ tướng nhấn mạnh, Đồng Nai có vị trí chiến lược về kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng; có hơn 3 triệu người, nguồn nhân lực dồi dào, dân số trẻ, nhiều khát vọng; là đầu mối giao thông quan trọng, đủ 5 phương thức vận tải; nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ; có truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng hào hùng; lợi thế thiên nhiên đa dạng, phù hợp phát triển xanh, bền vững, toàn diện.

Thủ tướng đánh giá Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đã được chuẩn bị công phu, bài bản, khoa học; xác định quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển trọng tâm, đột phá; có giải pháp, chính sách ưu đãi và nguồn lực thực hiện quy hoạch trong thời gian tới.

Thủ tướng gợi mở "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá" để Đồng Nai phát triển- Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Quyết định quy hoạch tỉnh Đồng Nai.

"1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá"

Thủ tướng nêu rõ, để hiện thực hóa Quy hoạch, Đồng Nai cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá".

Theo đó, "Một trọng tâm" là huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp để thúc đẩy các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng); đột phá vào các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức…).

"Hai tăng cường", gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người; tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua hệ thống giao thông, hệ thống sản xuất và chuỗi, kết nối thị trường.

"Ba đột phá", gồm: Đột phá phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược đồng bộ (về giao thông, ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng số, y tế, giáo dục, xã hội...); đột phá thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng các thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm, sinh kế cho người dân ổn định và phát triển; đột phá đào tạo, thu hút nhân tài, nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Về các nhiệm vụ, giải pháp, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Đồng Nai xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Quy hoạch, đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ trong tổ chức thực hiện quy hoạch; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành.

Luôn đổi mới tư duy, tầm nhìn phát triển, khai thác, phát huy truyền thống lịch sử-văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công-tư, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục, xã hội, ứng phó biến đổi khí hậu.

Tăng cường liên kết vùng, quốc gia và quốc tế, phát huy vai trò, vị trí của Đồng Nai là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của vùng Đông Nam Bộ; khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa làm động lực để phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tỉnh phải phổ biến, quán triệt quy hoạch sâu rộng để mọi người hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng với tinh thần "Dân biết - Dân bàn - Dân làm - Dân thụ hưởng".

Doanh nghiệp đồng hành đưa Đồng Nai phát triển

Trình bày tham luận tại hội nghị, bà Lê Nữ Thuỳ Dương, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN Holdings chia sẻ, sự kiện này không chỉ đánh dấu một bước phát triển chiến lược của tỉnh Đồng Nai mà còn là cơ hội cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư.

"Tập đoàn KN Holdings đã gắn bó gần 25 năm với tỉnh Đồng Nai, đã và đang tập trung đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và đô thị mới. 

Chúng tôi cam kết huy động mọi nguồn lực để cùng tỉnh thực hiện những mục tiêu của quy hoạch đề ra", bà Dương nói.

Trao chứng nhận đầu tư 17 dự án

Dịp này, UBND tỉnh Đồng Nai cũng trao quyết định chấp thuận chủ đầu tư cho 17 dự án tiêu biểu, với tổng trị giá khoảng 6 tỷ USD, trong đó có dự án quy mô lớn, như: Khu trung tâm thương mại Hiệp Hoà (TP Biên Hoà), Nhà ở xã hội phường Long Bình Tân (TP Biên Hoà), Khu công nghiệp Long Đức 3 (huyện Long Thành), Khu Nhà ở xã hội Phước An (huyện Nhơn Trạch)...

Tương tự, ông Vũ Thế Phiệt, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, sân bay Long Thành giai đoạn 1 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và năng lực cạnh tranh quốc tế của ngành hàng không Việt Nam, đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và Đồng Nai nói riêng.

Theo tính toán đóng góp trực tiếp của sân bay Long Thành vào quy mô GDP Việt Nam năm 2030 là khoảng 0,98%, tạo ra 200.000 việc làm cho khu vực Đồng Nai. Đặc biệt năm 2026 khi đưa dự án vào hoạt động cần hơn 13.000 lao động.

Dự án góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao tỷ trọng khu vực công nghiệp, dịch vụ của khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung. Riêng Đồng Nai, dự kiến dự án sẽ đóng góp trực tiếp từ 3 đến 5% GDP của tỉnh.

Thủ tướng gợi mở "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá" để Đồng Nai phát triển- Ảnh 3.

Đồng Nai quan tâm đến các nhà đầu tư đã và đang đồng hành cùng địa phương.

Đặc biệt, theo ông Phiệt, với việc đầu tư sân bay Long Thành, tỉnh Đồng Nai quy hoạch xây dựng đô thị sân bay hiện đại sẽ góp phần to lớn trong việc tái cơ cấu lực lượng lao động, nâng cao trình độ kỹ thuật, công nghệ của nền kinh tế.

Sân bay Long Thành sẽ đưa Đồng Nai trở thành cửa ngõ hàng không quan trọng, đưa khách du lịch quốc tế tới Việt Nam, tạo điều kiện quảng bá, giao lưu văn hoá, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế của du lịch Việt Nam.

Thủ tướng gợi mở "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá" để Đồng Nai phát triển- Ảnh 4.

Thủ tướng chúc mừng các doanh nghiệp được trao giấy chứng nhận đầu tư tại tỉnh Đồng Nai.

Điểm nhấn trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai lần này là hình thành 6 hành lang phát triển gồm: hành lang sông Đồng Nai; cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu - quốc lộ 51; cao tốc TP.HCM - Long Thành - Phan Thiết; quốc lộ 1 và đường sắt Bắc - Nam; quốc lộ 20 - cao tốc Dầu Giây - Tân Phú; cao tốc Bến Lức - Long Thành. 

Ba vành đai phát triển gồm: Vành đai 4 vùng TP.HCM; vành đai quốc lộ 56 - đường tỉnh 762; vành đai liên kết Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thủ tướng gợi mở "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 đột phá" để Đồng Nai phát triển- Ảnh 5.

Sân bay Long Thành một trong những điểm nhấn của tỉnh Đồng Nai trong đồ án quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050.

Quy hoạch cũng xác định các nhiệm vụ đột phá của tỉnh từ nay đến năm 2050, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay.

Hoàn thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng (TOD). 

Thủ tướng: Nếu ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bênThủ tướng: Nếu ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, không thể bất cứ vấn đề gì dù nhỏ cũng phải trình lên cấp Trung ương quyết; nếu ai sợ trách nhiệm thì đứng sang một bên.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.