ĐB Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tài chính ngân sách nêu thực trạng nợ công tăng nhanh nhưng kỷ luật tài khoá chưa nghiêm |
Đó là một thực tế được ĐB tỉnh Phú Thọ Hoàng Quang Hàm - Uỷ viên thường trực Uỷ ban Tài chính nhân sách nêu ra khi phát biểu thảo luận sáng 31/10 về tình hình kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước.
Trước đó, báo cáo Chính phủ cho biết, tất cả 13 mục tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 vượt. Tăng trưởng GDP năm 2017 dự kiến là 6,7%, vừa khớp chỉ tiêu Quốc hội giao.
Năm 2018, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng 6,5 - 6,7%; xuất khẩu 7-8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 33 - 34% GDP.
Tuy nhiên, khi thẩm tra báo cáo trên, Ủy ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ đánh giá rõ hơn chất lượng các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Cơ quan này cũng lưu ý, các chính sách đưa ra cần tránh những rủi ro phát sinh như "bong bóng" trên thị trường chứng khoán, bất động sản.
Đề cập vấn đề phân bổ vốn ngân sách năm 2018, Thường trực Uỷ ban tài chính ngân sách cho rằng, trong điều kiện nguồn lực hạn hẹp, phần lớn là tiền vay nhưng chúng ta phân bổ cho đầu tư phát triển còn dàn trải. Đặc biệt, 80.000 tỷ để dành cho các công trình quốc gia nhưng đã 3 năm chưa bố trí và giải ngân được vốn.
"Kỳ họp này sẽ thông qua báo cáo khả thi của dự án cảng Hàng không quốc tế Long Thành và chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Bắc Nam nhưng không bố trí vốn trong kế hoạch năm 2018, cũng không để giành phần vốn năm 2018 nên không có nguồn tiền để thực hiện các dự án này" - ông Hàm dẫn chứng và cho rằng Chính phủ cần nhìn nhận nghiêm túc và có giải pháp nếu muốn đạt mục tiêu phát triển.
Cùng với đó, Thường trực Uỷ ban tài chính ngân sách cũng nêu thực trạng nguồn chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn nhưng kỷ luật tài khoá chưa nghiêm. Cụ thể, nợ công dự báo đến 2020 dự báo đến 4,2 triệu tỷ, trả lãi vay hàng năm chiếm 7-8% tổng chi ngân sách. Bình quân một năm trả lãi hơn 100.000 tỷ, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư trả nợ, nguồn trả nợ từ nguồn vay mới, quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 không khắc phục được nợ, nguồn vay lên tới 252.000 tỷ đồng.
"Chính phủ cần kịp thời cải cách chính sách thu, thực hiện giảm biên chế, đẩy mạnh đổi mới cơ chế tự chủ, cân nhắc khoán chi không thường xuyên, tăng thu tiết kiệm chi, kiểm soát chặt chẽ việc ký kết và sử dụng vốn vay ODA. Cân nhắc cắt giảm 13.000 tỷ đồng trái phiếu chưa phân bổ", ông Hàm góp ý.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận