Cần làm rõ điều kiện phòng cháy với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh
Chiều 27/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC&CNCH).
Các đại biểu rất quan tâm tới nội dung về công tác phòng cháy trong bối cảnh hàng loạt vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra thời gian qua.
Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) nêu thực tế, từ khóa "cháy" đã trở thành một từ không mấy khó tìm trên các trang thông tin và mạng xã hội.
"Cháy, lại cháy và đâu đó lại đang cháy. Cháy với rất nhiều nguyên nhân và lý do khác nhau, nhưng điều đáng nói là trong rất nhiều trường hợp, khi cháy không biết chạy đi đâu và chạy cũng không được bởi bao quanh là khung sắt hay còn gọi "chuồng cọp", ông Mai nói.
Ông Mai nhấn mạnh: "Cháy mà không chạy được thì đồng nghĩa với việc sẽ chết. Đây là một thực trạng rất đau lòng xảy ra trong thời gian vừa qua ở rất nhiều nơi với nhiều cấp độ khác nhau".
Trước thực tiễn trên, đại biểu đoàn Đắk Nông tán thành với sự cần thiết ban hành Luật PCCC&CNCH, cứu hộ nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác bảo đảm an ninh, trật tự; bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người, tài sản của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Góp ý về một số nội dung cụ thể về phòng cháy đối với nhà ở, đây vốn là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhất là đối với loại hình nhà ở trong thành phố như ngõ hẻm, chung cư mà thời gian vừa qua xảy ra các vụ cháy nổ rất nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ông Mai nhìn nhận, dự thảo Luật chưa có những quy định cụ thể về điều kiện đảm bảo PCCC, đặc biệt là nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh.
Do đó, đại biểu đề nghị làm rõ hơn điều kiện bảo đảm an toàn phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh, có đánh giá tác động cụ thể, kỹ lưỡng hơn để đảm bảo tính khả thi khi triển khai Luật.
Quy định chung một quy chuẩn, tiêu chuẩn chưa hợp lý
Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu những nội dung nào đã rõ, đã chín thì quy định trực tiếp vào Luật, hạn chế giao Chính phủ và Bộ Công an hướng dẫn quy định chi tiết để đảm bảo khách quan, rõ ràng.
Ông nêu dẫn chứng: "Riêng tại Chương 7 có 9 điều thì có đến 8 điều giao Chính phủ quy định chi tiết; 25 điều/63 điều giao Chính phủ và Bộ Công an quy định, là tương đối nhiều".
Góp ý về các quy định liên quan đến thẩm định thiết kế PCCC, tiêu chuẩn, kỹ thuật PCCC nêu trong dự thảo, đại biểu Hoà cho rằng quy định về những vấn đề trên là cần thiết. Nhưng theo phản ánh của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thì như vậy là quá khắt khe, áp dụng theo tiêu chuẩn của châu Âu, chưa thực tế ở nước ta.
Những ý kiến này cho rằng thiết kế tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC ở các nhà máy, cơ sở sản xuất kinh doanh hiện cần vốn đầu tư rất cao. Nếu không đúng tiêu chuẩn sẽ không được thẩm định, cấp giấy phép đủ điều kiện để sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu đoàn Đồng Tháp nêu thực tế các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng thời gian qua thường xảy ra ở các thành phố lớn như Hà Nội, nhất là tại các khu dân cư xuống cấp, cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, nhà trọ mini, nhà trong ngõ nhỏ hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh chất dễ cháy…
Tư đó, ông Hòa đề nghị cần có sự phân biệt các loại hình. Với cơ sở sản xuất, kinh doanh dễ cháy nổ thì quy định khắt khe về PCCC còn cơ sở ít xảy ra cháy, dễ dàng chữa cháy thì quy định ở mức phòng cháy an toàn; cơ sở khác thì chỉ cần có dụng cụ chữa cháy.
"Có như thế mới giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân… Nếu quy định chung một quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng chung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh thì xem ra chưa hợp lý", ông Hòa nói và đề nghị cân nhắc cho phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận