Nguồn tin riêng của PV Báo Giao thông cho biết, trong ngày 14/2, đoàn công tác của Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) đã về làm việc với Cục QLTT Hải Dương và Quyền Cục trưởng Nguyễn Thanh Hải về một số nội dung tố cáo sai phạm của cá nhân ông Hải.
Theo nguồn tin, tại buổi làm việc, ông Hải đã báo cáo về nội dung tuyển dụng lao động hợp đồng theo Nghị định 68 tại Cục QLTT Hải Dương; việc nhận tiền "lót tay" để đưa các lao động có nhu cầu vào cơ quan làm việc như thông tin tố cáo.
Về nội dung này, ông Hải cho rằng các hợp đồng lao động theo Nghị định 68 do ông ký tuyển dụng được thực hiện theo đúng thẩm quyền và nhu cầu công việc của đơn vị, và "nếu không đúng thì trước đây các lao động này sẽ không có lương", sau này do thay đổi về cơ chế dẫn đến việc sinh ra kiện cáo.
Ông Hải cũng phủ nhận việc nâng đỡ con cháu cũng như việc nhận tiền "lót tay" của các trường hợp được tuyển dụng vào Cục QLTT Hải Dương.
Cũng theo nguồn tin, đoàn công tác của Tổng cục QLTT chỉ làm việc về nội dung nói trên. Các nội dung tố cáo khác không được đề cập trong buổi làm việc ngày hôm nay. Ông Hải sẽ phải làm giải trình bằng văn bản gửi đoàn công tác để phục vụ việc xác minh tố cáo vào ngày 18/2 tới.
Trước đó, dư luận tại tỉnh Hải Dương xôn xao trước thông tin ông Nguyễn Thanh Hải bị tố có nhiều sai phạm liên quan đến công tác cán bộ tại Cục; nhận tiền "lót tay" của những người muốn được đưa vào danh sách 46 chỉ tiêu hợp đồng tại Cục QLTT Hải Dương; cá nhân ông Hải và gia đình vay nợ nhiều, bị người lạ đến cơ quan đòi nợ, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của cơ quan; bản thân ông Hải thường xuyên không đến cơ quan làm việc khiến hoạt động của Cục QLTT Hải Dương tê liệt...
Trong một diễn biến khác, PV Báo Giao thông nhận được đơn phản ánh của một số nhân viên Cục QLTT Hải Dương về việc họ được cơ quan thông báo sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng nhưng không giải quyết chế độ tiền lương, bảo hiểm theo quy định vì chưa có kinh phí.
Theo phản ánh, từ năm 2009 đến nay, dù chỉ được giao 47 chỉ tiêu nhưng Cục QLTT Hải Dương đã tuyển vượt 21 lao động. Vì vậy, công việc và thu nhập của các lao động theo diện hợp đồng này không ổn định. Người lao động càng bức xúc hơn khi không được giải quyết chế độ khi bị thanh lý hợp đồng.
Đại diện Phòng Tổ chức- Hành chính, Cục QLTT Hải Dương xác nhận vào cuối tháng 12/2019, đơn vị đã có thông báo về việc chấm dứt hợp đồng đối với 14 lao động. Do đơn vị đang gặp khó khăn về kinh phí nên chưa thể giải quyết chế độ tiền lương và bảo hiểm xã hội cho các trường hợp trên. Cục QLTT Hải Dương đã có công văn gửi Tổng cục QLTT đề nghị được hỗ trợ, tuy nhiên đến nay, Cục chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Tổng cục về việc này.
Không phải đến bây giờ mà từ năm 2019, đã xuất hiện những tố cáo tương tự đối với ông Hải.
Theo xác minh của Tổng Cục QLTT thời điểm đó, ông Hải giữ chức vụ Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Hải Dương từ năm 2009- 2018 nhưng trong thời gian này không thông qua cấp ủy và Ban lãnh đạo Chi cục về chủ trương và nhân sự khi tuyển dụng lao động; không thực hiện đúng quy trình tuyển dụng lao động hợp đồng theo Nghị định 68.
Cụ thể, ông Hải tự ý ký vượt so với chỉ tiêu được cấp có thẩm quyền giao 21 hợp đồng lao động, dẫn đến không bố trí được công việc, bố trí quá nhiều lao động cho một vị trí, không có kinh phí chi trả lương và các chế độ khác cho người lao động.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận