Chuyện dọc đường

Quyền được an toàn

06/12/2019, 07:02

“Quyền được an toàn” mỗi khi ra khỏi nhà là một đòi hỏi chính đáng.

img
Có ông bố, bà mẹ nào an lòng khi con tự đi xe máy đến trường?

Con bé đi rồi, nó mới lớp 11, tai nạn xảy ra và sáng nay con bé không đến trường được nữa…

Nhiều phụ huynh có con tầm tuổi cô bé ở trường chuyên ngữ đã chia sẻ như thế trên mạng xã hội.

“Con bé học giỏi, bố bệnh nặng, mẹ tần tảo lo cho hai con gái, vậy mà…”. Họ xót thay gia đình cô bé và trĩu nặng nỗi lo về mỗi chặng đường tới lớp của con mình.

Vụ tai nạn khiến cô bé lớp 11 tử vong trên cầu vượt Phú Đô (Hà Nội) sáng 3/12 hẳn sẽ ám ảnh không chỉ phụ huynh ngôi trường ấy mà còn khiến rất rất nhiều bậc cha mẹ khác phải tính toán lại việc đi lại của con cái. Từ đầu năm học đến nay, đã có nhiều vụ tai nạn mà nạn nhân là các cháu học sinh đang trên đường đến trường.

Quá xót xa, nhiều người không ngại thú nhận vẫn đưa đón con cho đến hết cấp 3.

Thà mất thời gian, mất việc, thà để con mang tiếng là “gà gô” còn hơn phó mặc chúng cho hành trình đầy bất trắc mỗi ngày.

Nhưng vì lý do gì mà chuyện đi lại của con trẻ lại thành gánh nặng cho bố mẹ, cho xã hội và là áp lực cho chính bọn trẻ đến vậy?

Chúng ta có lỗi gì trong câu chuyện này? Những ông bố bà mẹ sẽ phải đưa đón con mình bao nhiêu năm nữa đây? Bao giờ giao thông Hà Nội mới thay đổi?

Hỏi cũng là để trả lời: Bao nhiêu người chấp nhận cho con học trường “làng” để chúng không phải bươn bải đường xa đến được ngôi trường tốt hơn? Bao nhiêu người đã dạy con kỹ năng và nguyên tắc tham gia giao thông an toàn trước khi giao cho chúng những chiếc xe điện, xe máy?

Bao giờ Hà Nội sẽ sẵn sàng hạ tầng để cấm xe máy trong nội thành và phát triển giao thông công cộng? Bao giờ chúng ta có bus học đường?

Lỗi hệ thống bắt đầu từ quản trị xã hội, cho tới từng gia đình, từng hành vi ứng xử của mỗi cá nhân. Nỗi ám ảnh giao thông trên đường phản ánh những bế tắc của xã hội khi luật pháp không nghiêm dẫn đến vô vàn những hành vi chệch chuẩn ẩn họa tai nạn thảm khốc.

Mỗi khi tai nạn thay vì phân tích lỗi đúng sai, người ta thường lờ đi hành vi vi phạm của người thiệt mạng mà chép miệng đổ cho “số đen”.

Rồi “lên án” môi trường giao thông đáng sợ mà quên rằng chính mình đã tạo ra không ít những tình huống hiểm nguy trong đó, đôi khi chỉ là việc thản nhiên lấn làn, vượt đèn đỏ, ăn uống chiếm hết vỉa hè của người đi bộ hay tặc lưỡi đi ngược chiều, không đội mũ bảo hiểm cho con vì “tôi chỉ đi một đoạn đường ngắn thôi mà”.

Tôi nghĩ mãi khi đọc dòng chia sẻ của một phụ huynh trường cô bé vừa gặp tai nạn: “Cái cảm giác con rời nhà đi học và không bao giờ trở về thật quá sức chịu đựng. Bởi ông bố, bà mẹ nào cũng sẵn sàng làm tất cả để con cái được an toàn”.

Nhưng tiếc thay, có những việc luôn luôn là muộn nếu không thay đổi từ bây giờ.

Chúng ta phải thay đổi và đòi hỏi chính quyền phải thay đổi vì “quyền được an toàn” mỗi khi ra khỏi nhà là một đòi hỏi chính đáng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.