ĐB Nguyễn Anh Sơn phát biểu trong phiên thảo luận |
Ngày 29/3, thảo luận tại Hội trường về Dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, ĐB Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) cho rằng nhiệm kỳ vừa qua, Chủ tịch nước đã thực hiện tương đối tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp. Với cương vị Trưởng ban cải cách Tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã đặc biệt quan tâm đến xây dựng và thể chế hóa những quy định của pháp luật, xây dựng hệ thống tư pháp ngày càng hiện đại, đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới, quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp.
Cùng với hoạt động đối ngoại của Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng… hoạt động đối ngoại của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ vừa qua đã góp phần quan trọng trong nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Theo lời của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki Moon phát biểu tại Quốc hội Việt Nam: Việt Nam tuy còn khó khăn, nhưng càng ngày càng chứng tỏ là một quốc gia có trách nhiệm với thế giới.
Trong hoạt động thực tiễn, Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước đã thể hiện sự quan tâm, gần gũi với nhân dân, chăm lo cho đời sống của nhân dân, đặc biệt là nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, hải đảo…
“Đây là điểm rất nổi bật. Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước khi xuống với dân thể hiện hình ảnh rất tốt đẹp của lãnh đạo cao cấp của Đảng và nhà nước, tạo dựng niềm tin của người dân với chế độ. Cử tri luôn mong muốn Chủ tịch nước có hình ảnh quy tụ và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc như Bác Hồ, Bác Tôn – những biểu tượng rất cao quý với khối đại đoàn kết toàn dân.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, đại biểu chia sẻ băn khoăn: “Trong nhiều hoạt động cả đối nội và đối ngoại, quyền lực của Chủ tịch nước vẫn chưa thực sự thể hiện rõ như Hiến pháp quy định” – ĐB Sơn nói và dẫn ví dụ vai trò thống lĩnh các lực lượng vũ trang, Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng – An ninh của Chủ tịch nước chưa được thể hiện rõ. Hay trong chức năng công bố luật của Quốc hội và pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước chưa thực hiện được quyền có thể xem xét lại luật, pháp lệnh xem có điểm gì chưa đúng.
Nhiều ĐB cho rằng, quyền lực của Chủ tịch nước vẫn chưa thực sự thể hiện rõ như Hiến pháp quy định |
Quan hệ phối hợp giữa Chủ tịch nước với Chính phủ trong giải quyết các vấn đề quốc kế dân sinh, những vấn đề quan trọng của KT-XH cũng chưa rõ. Đại biểu cũng cho rằng khi đi tiếp xúc cử tri, làm việc tại địa phương, cử tri cũng băn khoăn Chủ tịch nước đứng ở vị trí nào, có quyền hạn gì trong cuộc chiến chống tham nhũng, được làm gì và làm được gì trong chống tham nhũng hiện nay.
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng trong nhiệm kỳ vừa qua, với vai trò cá nhân, Chủ tịch nước đã thể hiện tinh thần tận tâm, tận lực phục vụ Tổ Quốc, nhân dân.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng với cương vị đứng đầu nhà nước, đóng góp, kết quả chỉ đạo trong việc thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội, đặc biệt các vấn đề hệ trọng, quốc kế, dân sinh của Chủ tịch nước chưa được rõ.
Theo ông Phương, quyền hạn Chủ tịch nước là người đứng đầu nhà nước là rất lớn và kỳ vọng người dân cũng rất lớn, mong muốn người đứng đầu nhà nước phải chịu trách nhiệm trước dân, nhưng khi thực thi lại vướng mắc. Hiến pháp đã quy định, nhưng hệ thống các văn bản quy phạm để Chủ tịch nước đứng đầu nhà nước lại chưa được quy định rõ, dẫn đến lúng túng trong thực thi vi hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh.
Đại biểu kiến nghị Quốc hội nhiệm kỳ tới tập trung hoàn thiện thể chế về Chủ tịch nước để có những quy phạm, quy định thể hiện tinh thần Hiến pháp để Chủ tịch nước thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm của người đứng đầu Nhà nước, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của nhân dân với người đứng đầu quốc gia.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận