Sau cuộc phẫu thuật, các thông số sức khỏe của cháu bé đều ổn định khiến niềm vui của các y, bác sĩ được nhân đôi |
Cháu bé sinh non, chỉ nặng hơn 900gram, bị dị tật tim khiến hệ tuần hoàn không bình thường, sự sống rất mong manh. Sau nhiều lần hội chẩn cân não, đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã đi đến quyết định mang tính sinh tử: Phải phẫu thuật ngay mới mong giữ lấy tính mạng của sinh linh bé bỏng.
Quyết định sinh tử, phẫu thuật ngay không chần chừ!
Chưa đầy một tuần sau ca phẫu thuật cứu sống bé sơ sinh nặng hơn 900gram thành công, chúng tôi đã đến Bệnh viện Nhi đồng 1 tìm gặp các bác sỹ trong ê-kíp phẫu thuật đặc biệt này. BS. Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 dường như vẫn chưa hết vui mừng, bởi trường hợp này là một cháu bé sinh non nặng chỉ hơn 900gram, lại bị dị tật tim bẩm sinh hẹp eo động mạch chủ nặng khiến hệ tuần hoàn không bình thường, sự sống rất mong manh. Nhiều chuyên khoa cùng nhiều y bác sĩ của bệnh viện đã phối hợp chặt chẽ theo dõi liên tục tình trạng cháu bé suốt 20 ngày và không ngừng đưa ra nhiều phương án nhằm giữ lấy mạng sống cho cháu bé. Sau nhiều lần hội chẩn đầy cân não, đội ngũ y bác sĩ bệnh viện đã thống nhất đi đến quyết định mang tính sinh tử với cháu bé, đó là phải tiến hành phẫu thuật ngay với hi vọng mong manh là giữ lấy tính mạng của sinh linh bé bỏng.
“Trường hợp này, nếu không sớm can thiệp, cháu bé phải đối diện nguy cơ ống động mạch có thể đóng bất cứ lúc nào và nguy cơ nhiễm trùng rất cao dẫn đến tử vong. Đây là cháu bé có trọng lượng nhỏ nhất từ trước đến nay mà bệnh viện từng phẫu thuật tim. Cháu chỉ lớn hơn bàn tay người lớn một chút, chiều dài chừng hai cây bút. Khổ thân! Bé có chút xíu đã phải trải qua ca phẫu thuật phức tạp”, BS. Hiếu xúc động.
Tranh thủ giờ nghỉ ngơi ngắn ngủi, BS. Nguyễn Kinh Bang (Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp), là một trong những phẫu thuật viên chính trong ê-kíp y bác sĩ phẫu thuật cứu sống cháu bé, tâm sự. BS. Bang cho biết: “Ban đầu cá nhân tôi và nhiều y bác sĩ không dám đặt nhiều hi vọng là cháu bé sinh non chỉ 900gram với dị tật bẩm sinh phức tạp như thế sẽ sống được, sẽ hồi phục sau ca phẫu thuật. Và điều đó đã là sự thật, cháu bé đã tạm thời qua cơn nguy kịch, đã có hi vọng sống rõ hơn nhiều”. Niềm vui mừng sáng lên trong mắt vị bác sĩ này khi ông tâm sự về kì tích đã xảy ra với cháu bé.
Với những “bàn tay vàng” dày dạn kinh nghiệm cứu chữa cho các trẻ bị bệnh tim, êkip Bệnh viện Nhi đồng 1 đã đi đến quyết định mổ ngay bởi kinh nghiệm cho thấy trường hợp này khó có thể chờ thêm thời gian. BS. Bang nhớ lại: “Trong những lần hội chẩn, chúng tôi cân đo đong đếm đưa ra các phương án khác nhau. Có hai hướng ý kiến chủ đạo. Một là không phẫu thuật ngay mà chờ cháu bé lớn hơn, các cơ quan trưởng thành hơn mới phẫu thuật thì độ an toàn sẽ cao hơn. Hướng ý kiến thứ hai là tiến hành phẫu thuật ngay vì nếu không thì ống động mạch của cháu bé có thể đóng lại bất cứ lúc nào khiến cháu bé ngưng thở. Chưa kể do cháu bé sinh quá non nên dễ bị các bệnh lý khác. Sau rất nhiều cân nhắc, tôi cũng như nhiều bác sĩ khác nhận thấy tình trạng cháu bé cần được mổ ngay. Thực sự để đưa ra quyết định này tôi và các bác sĩ khác đều suy nghĩ rất nhiều, đo lường các tình huống. Khi quyết định mổ cho cháu bé, cá nhân tôi có sự tự tin vào các y bác sĩ, phẫu thuật viên gây mê và các chuyên khoa khác cùng hỗ trợ”.
Bệnh viện Nhi đồng 1 có ba bác sỹ chủ đạo mỗi năm phẫu thuật tim cho khoảng 500 trường hợp, do đó ê-kíp bác sỹ đã có rất nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, phẫu thuật cho trường hợp sinh non và nhẹ cân như này thì đây là lần đầu tiên, vì thế bản thân BS. Bang cũng như các bác sỹ khác trong ê-kíp cũng không khỏi lo lắng hồi hộp trước ca phẫu thuật đặc biệt.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn cứ động viên nhau là cố gắng hết sức vì đã từng phẫu thuật tim thành công với nhiều bệnh nhi tương tự. Việc của chúng tôi xác định là cố gắng hết sức cứu sống bệnh nhi, cứu lấy một sinh linh bé bỏng. Chúng tôi cũng cảm động bởi khi trao đổi với mẹ và gia đình cháu bé về tình trạng phải mổ ngay của cháu, dù hi vọng cứu sống mong manh, thì người nhà cháu bé vẫn đặt hết tin tưởng vào ê kíp y bác sĩ. Điều đó cũng khiến tinh thần chúng tôi được vững vàng hơn trước khi quyết định phẫu thuật”, BS. Bang nhớ lại.
Ca phẫu thuật cho cháu bé nặng 900gram diễn ra như một cuộc rượt đuổi với thời gian để níu giữ sự sống cho cháu bé từng giây từng phút. BS. Hà Văn Lượng (Phó khoa Gây mê hồi sức) chia sẻ: “Chúng tôi đã cố gắng tính toán kĩ lưỡng để chọn thuốc vận mạch thật phù hợp với trẻ sơ sinh. Việc gây mê với cháu bé chỉ mới 900gram quả là một thử thách lớn”.
Và cuộc phẫu thuật đã diễn ra rất thuận lợi. Sau mổ, cháu bé không có biểu hiện chảy máu, các thông số tốt, những chỗ cắt nối không còn bị hẹp, trả lại cho cháu quả tim gần như bình thường.
Đau đáu với từng bệnh nhi
Không còn sự hồi hộp, sau nhiều ngày phẫu thuật một ca cực kỳ khó, BS. Bang chỉ giản dị chia sẻ: “Nói kỳ tích thì hơi quá, khi cứu chữa bệnh nhân chúng tôi luôn nghĩ làm hết sức mình chứ không nghĩ gì khác. Mỗi lần đối diện với từng hoàn cảnh, chúng tôi luôn đau đáu. Bởi đa số bệnh nhi mắc bệnh tim đều có hoàn cảnh nghèo khó, không có điều kiện chăm sóc. Nhiều cháu lúc đầu nhập viện trong tình trạng dặt dẹo, tím ngắt rất tội nghiệp, nên chúng tôi nghĩ làm được gì cho các cháu thì cố gắng làm. Và bệnh nhi tim bẩm sinh đa số đều được chữa khỏi hoàn toàn, vài tháng sau trở lại tái khám đều mạnh khỏe, nhanh nhẹn, hồng hào. Đây là sự động viên to lớn cho các bác sỹ chúng tôi”.
Những ngày này, chăm sóc hai đứa con bé bỏng trong bệnh viện, chị Mỹ, mẹ cháu bé rớm nước mắt vui mừng: “Tôi không nghĩ con mình sẽ được cứu sống, vì trước phẫu thuật, hy vọng rất mong manh, chỉ 10% cơ hội. Tôi chỉ biết cảm ơn các y bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã tái sinh con tôi”.
Chị Mỹ nói thêm, khi mang thai ngay từ tuần thứ 28 chị đã được bác sỹ Bệnh viện Hùng Vương chẩn đoán một trong hai thai nhi có triệu chứng ngừng thở. Do đó đến tuần thứ 31, Bệnh viện Hùng Vương quyết định mổ sớm để cứu song thai. Ngay sau khi mổ, hai bé sơ sinh đã được chuyển qua Khoa sơ sinh Bệnh viện Nhi đồng 1 theo tìm hiểu kỹ của gia đình sản phụ trước đó.
Chị Mỹ chia sẻ thêm với tâm trạng tràn đầy hy vọng: “Những ngày đầu đưa con qua đây, tôi đau lòng lắm, vì cả hai cháu đều là con đầu lòng của tôi. Khi ấp bé trong lòng mới thấy dạt dào tình mẫu tử. Mấy ngày nay, bà ngoại vào phòng chăm sóc đặc biệt thăm cháu và thủ thỉ thì bé ngọ nguậy, mở mắt nhìn. Đó chính là hạnh phúc, niềm hy vọng vô bờ cho gia đình chúng tôi”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận