Kinh tế

Quyết liệt CPH cảng biển, đường sắt và đơn vị công lập

14/05/2015, 06:40

Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh phải tiếp tục cổ phần hóa (CPH) theo chủ trương của Đảng, Chính phủ...

31
Vinalines sẽ không giữ cổ phần chi phối tại cảng Hải Phòng

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng tại buổi làm việc của Ban cán sự đảng Bộ GTVT hôm qua (13/5), Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) sẽ thoái vốn tại hàng loạt cảng biển, còn Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) sẽ không trực tiếp quản đầu máy tàu hỏa để tăng sức cạnh tranh khi CPH lĩnh vực vận tải đường sắt.

Vinalines chỉ tập trung vào 3 cảng

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp Vũ Anh Minh, Vinalines vừa hoàn thành xây dựng phương án tổng thể phát triển hệ thống cảng biển do Vinalines nắm giữ sau tái cơ cấu, đảm bảo mục tiêu trở thành DN nòng cốt trong lĩnh vực vận tải, khai thác cảng biển và dịch vụ.

“Theo phương án trình Bộ GTVT, Vinalines đề xuất Nhà nước chỉ nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ gồm các cảng: Nghệ Tĩnh, Cam Ranh, Sài Gòn, CMIT và SSIT. Các cảng Quảng Ninh, Phú Mỹ (Vũng Tàu), Khuyến Lương (Hà Nội) đề xuất thoái vốn toàn bộ. Tại ba cảng trọng điểm vùng là Đà Nẵng, Cần Thơ, Đình Vũ, Vinalines kiến nghị Nhà nước vẫn nắm giữ 51% vốn điều lệ. Riêng cảng lớn nhất miền Bắc là Hải Phòng, doanh nghiệp đề xuất tỷ lệ từ 51- 65%, ông Minh cho biết.

Cũng theo ông Minh, hiện tại Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thoái vốn toàn bộ tại cảng Nghệ Tĩnh, chỉ nắm giữ 20% vốn điều lệ tại cảng Hải Phòng, Sài Gòn.

Liên quan đến đề xuất của Vinalines, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, đối với các cảng biển, Vinalines chỉ tập trung vào ba cảng lớn là Cái Mép - Thị Vải; Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện và cảng Vân Phong (sẽ kêu gọi đầu tư cả trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư khi có điều kiện). “Với các cảng biển khác, Vinalines không cần giữ chi phối”, Bộ trưởng nêu rõ.

Giữ nguyên Xí nghiệp đầu máy tại DN vận tải để CPH

Liên quan đến công tác cổ phần hóa các DN thuộc VNR ông Minh cho biết đơn vị này vừa có tờ trình đề nghị Bộ chấp thuận phương án để VNR trực tiếp quản lý đầu máy theo hình thức chuyển các Xí nghiệp đầu máy (Chi nhánh quản lý sức kéo) về trực thuộc. Các công ty Vận tải đường sắt sau CPH sẽ thuê sức kéo theo hợp đồng với Tổng công ty.

Đến nay, Bộ GTVT đã hoàn thành IPO, tổ chức đại hội cổ đông lần đầu, chuyển đổi sang hoạt động theo hình thức công ty cổ phần 7 DN triển khai từ 2014; Trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH TCT Hàng hải VN, TCT Hàng không VN và Bệnh viện GTVT Trung ương. Đối với các DN triển khai mới trong năm 2015, Bộ đã phê duyệt danh sách CPH 28 DN; Phê duyệt thời điểm xác định giá trị DN, lựa chọn tư vấn xác định giá trị 25 DN để CPH; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án bổ sung vốn điều lệ cho TCT Đầu tư phát triển đường cao tốc VN.

Không đồng tình với đề xuất của Tổng công ty Đường sắt VN, ông Minh đề nghị giữ nguyên lực lượng sức kéo tại các DN vận tải đường sắt để CPH. “Điều này sẽ đảm bảo thu hút nguồn lực xã hội để CPH, tạo điều kiện cho DN sau CPH thực sự chủ động trong quản lý, điều hành sản xuất kinh doanh, phát huy cao nhất năng lực thiết bị đầu kéo hiện có, nâng cao hiệu quả khai thác để phát triển bền vững lợi nhuận, đồng thời tránh tạo cơ chế xin cho, đơn giản thủ tục hành chính trong chạy tàu”, ông Minh khẳng định.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, cần để đơn vị vận tải hoàn thiện có cả đầu máy và toa xe. “Nếu tách ra sẽ kém hấp dẫn khi CPH, khó chọn được nhà đầu tư lớn”, ông Hùng nói.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết, đã từng nghe giám đốc các công ty báo cáo trước đây đầu máy thuộc đơn vị vận tải, sau đó mới dồn đầu máy về một chỗ. Từ đấy, chi phí xăng dầu tăng từ 30 - 50%. “Để cứu đường sắt, đầu máy phải gắn với toa xe. Tôi đồng ý quan điểm của anh Hùng rằng ta phải lựa chọn nhà đầu tư chứ không thể kêu gọi nhà đầu tư bằng bất cứ giá nào. Đường sắt hiện đại mà chỉ thích xách đèn bão đi tuần, dùng cuốc chim để sửa chữa đường thì quá lạc hậu rồi. Tôi đề nghị Ban cán sự ủng hộ CPH công ty bao gồm cả đầu máy để tạo sự cạnh tranh trước hết trong nội bộ. Sau này nhà nước không cần giữ chi phối để khuyến khích nhà đầu tư khác đầu tư hạ tầng”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Không “đầu hàng” CPH các đơn vị sự nghiệp công lập

Về việc CPH các đơn vị, sự nghiệp công lập, ông Minh cho biết, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương cho phép CPH Bệnh viện Nam Thăng Long; bốn trung tâm đăng kiểm. Trước đó, Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH Bệnh viện GTVT Trung ương. Ngoài ra, Vụ Quản lý doanh nghiệp cũng đã tổng hợp thực trạng tình hình hoạt động của 19 đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế và giáo dục đào tạo, trực tiếp khảo sát, làm việc với 6 trường để lựa chọn, đề xuất phương án CPH”, ông Minh cho biết.

Trong tháng 5 này, Bộ GTVT sẽ tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương CPH đối với 12 đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có Học viện Hàng không; trường Đại học GTVT TP HCM, Công nghệ GTVT, 7 trường Cao đẳng và hai bệnh viện gồm Bệnh viện GTVT Vinh và Bệnh viện GTVT Đà Nẵng.

Chỉ đạo vấn đề này, Bộ trưởng Đinh La Thăng nhấn mạnh phải tiếp tục CPH theo chủ trương của Đảng, Chính phủ, không đầu hàng. “Phải thương đơn vị, không thể sống lay lắt được. CPH là xu thế tất yếu để tồn tại của các DN. Các trường nổi tiếng trên thế giới đều là tư nhân. Phải như thế mới tạo cho các trường phát triển, DN phát triển”, Bộ trưởng nói và nhấn mạnh, phải quán triệt tư tưởng thực hiện CPH theo đúng chỉ đạo. Nếu khó khăn thì xây dựng lộ trình chứ không thể nói không. Chỉ thực hiện CPH mới công khai minh bạch, mới thực hiện tốt được quy chế dân chủ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.