Trạm BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ sẽ giảm 25% giá vé từ giữa tháng 10/2017 - Ảnh: Tạ Tôn |
Trao đổi với Báo Giao thông trước thềm Hội nghị đánh giá kết quả 9 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ quý IV của Bộ GTVT diễn ra hôm nay (28/9), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, để khắc phục bất cập của hình thức thu phí hở, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN rà soát tất cả các trạm thu giá BOT trên toàn quốc, có chính sách miễn, giảm giá hợp lý.
Rà soát trạm thu giá BOT để có chính sách miễn, giảm giá
Thứ trưởng đánh giá thế nào về kết quả triển khai nhiệm vụ 9 tháng đầu năm của Bộ GTVT? Theo Thứ trưởng, đâu là kết quả nổi bật nhất?
Với bất kỳ một cơ quan quản lý nhà nước nào, không riêng gì Bộ GTVT, công tác quan trọng nhất chính là xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL). Trong 9 tháng đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 văn bản QPPL và cho ý kiến đối với 1 đề án do Bộ GTVT chủ trì trình. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đã ban hành theo thẩm quyền 30 thông tư và phê duyệt 5 đề án. Các VBQPPL do Bộ GTVT xây dựng đều hướng tới người dân, doanh nghiệp, trên tinh thần đổi mới, cải cách hành chính.
Thực hiện nhiệm vụ chính trị, từ đầu năm 2017 đến nay, Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của ngành như tập trung hoàn thiện dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô; Triển khai Kế hoạch hành động “Năm ATGT 2017”; Tập trung hoàn thiện các thủ tục triển khai các dự án trọng điểm như dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, CHK quốc tế Long Thành, mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...; Xử lý các bất cập tại các trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án BOT; Tăng cường công tác quản lý chất lượng, đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân các dự án; Triển khai hiệu quả kế hoạch quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông...
Vừa qua, bất cập tại các trạm thu giá BOT thu hút sự quan tâm lớn của dư luận xã hội, nhất là các chủ phương tiện sinh sống gần trạm thu giá của nhiều dự án BOT đề nghị miễn, giảm giá vé khi qua trạm. Quan điểm của Bộ GTVT thế nào, thưa Thứ trưởng?
Tôi khẳng định rằng, chủ trương thu hút nguồn vốn xã hội để đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng giao thông là rất đúng đắn trong bối cảnh nguồn vốn từ NSNN khó khăn. Thực tế, các dự án giao thông được đầu tư theo hình thức đối tác công-tư (PPP), cụ thể là loại hình hợp đồng BOT thời gian qua đã phát huy hiệu quả rõ rệt trong việc thúc đẩy phát triển KT-XH của đất nước nói chung và địa phương nơi có dự án đi qua nói riêng, đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, giảm áp lực nợ công, kích cầu sản xuất trong nước, đảm bảo an ninh - quốc phòng, kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, trực tiếp làm tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Bên cạnh những lợi ích và hiệu quả mang lại cho xã hội và người dân, qua thực tiễn, Bộ GTVT cũng nhìn nhận rõ một số bất cập nhất định của các dự án BOT, nhất là các dự án làm trên đường hiện hữu, hình thức thu phí hở trên quốc lộ chưa tạo công bằng cho người dân khu vực sinh sống gần trạm BOT… Để khắc phục, Bộ GTVT đã dừng triển khai các dự án BOT trên những tuyến đường hiện có và chỉ kêu gọi đầu tư đối với các tuyến đường mới, đảm bảo người dân và chủ phương tiện có sự lựa chọn. Trường hợp dự án cấp bách, Nhà nước không thu xếp được nguồn vốn, kêu gọi đầu tư BOT các dự án hiện hữu, độc đạo phải tham vấn rộng rãi ý kiến của địa phương qua các cơ quan đại diện là HĐND, Đoàn ĐBQH, các hiệp hội vận tải, các cơ quan chức năng.
Bên cạnh việc ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo Bộ đã thường xuyên kiểm tra, trực tiếp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm chất lượng, tiến độ yêu cầu. Bộ cũng đã tiếp nhận, kịp thời xử lý, giải quyết trên 42.000 văn bản đến từ các ban, Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Kịp thời triển khai thực hiện trên 2.000 văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. |
Các trạm thu giá dự án BOT hiện nay được đặt trên các tuyến quốc lộ nên không thể áp dụng hình thức thu phí kín theo km như các tuyến đường cao tốc mà phải áp dụng hình thức thu phí hở. Do đó, không thể đảm bảo công bằng tuyệt đối cho các chủ phương tiện, bởi có người đi quãng đường ngắn nhưng phải trả giá phí bằng những người đi quãng đường dài, thậm chí nhiều chủ phương tiện không phải trả phí khi đi lại trên đường BOT giữa hai trạm thu giá.
Tôi cũng nói thêm, mức thu giá của các dự án BOT đều được Bộ Tài chính ban hành trước 1/1/2017 và Bộ GTVT ban hành giá dịch vụ từ năm 2017 trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật và phương án tài chính của mỗi dự án. Để tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp vận tải, thực hiện Nghị quyết 35/2016 của Chính phủ, Bộ GTVT phối hợp với Bộ, ngành liên quan đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận phương án giảm giá sử dụng đường bộ tại các dự án BOT trên nguyên tắc vẫn đảm bảo tính khả thi trong phương án tài chính của các dự án BOT. Theo đó, từ cuối năm 2016 đã có 35 dự án BOT trên cả nước tiến hành giảm giá vé đối xe loại 4 (từ 140.000 đồng/lượt xuống 120.000 đồng/lượt) và xe loại 5 (từ 200.000 đồng/lượt còn 180.000 đồng/lượt).
Để khắc phục bất cập của hình thức thu phí hở, Bộ GTVT đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ VN rà soát tất cả các trạm thu giá BOT trên toàn quốc để có chính sách miễn, giảm giá đối với các phương tiện của người dân xung quanh trạm thu giá. Đến nay, đã có khoảng 10 dự án BOT tiến hành miễn, giảm giá vé cho người dân sinh sống gần trạm như: Trạm QL6 Xuân Mai - Hòa Bình, trạm QL32 (Phú Thọ), trạm cầu Hạc Trì (Phú Thọ), trạm QL3 (Thái Nguyên), trạm Bến Thủy (Nghệ An), trạm Cầu Rác (Hà Tĩnh)…
Công tác này sẽ tiếp tục được Bộ GTVT quan tâm, chỉ đạo quyết liệt trong thời gian tới để đảm bảo đồng bộ, thống nhất về giá vé tại các trạm BOT trên cả nước.
Được biết, dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại kỳ họp sắp tới. Đến nay, công tác chuẩn bị thủ tục, hồ sơ của dự án này diễn ra thế nào?
Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam đã được Bộ GTVT chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu, tuân thủ trình tự, thủ tục theo quy định. Từ cuối tháng 3/2017, Bộ GTVT đã trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án. Hội đồng thẩm định Nhà nước cũng đã tiến hành thẩm định báo cáo tiền khả thi dự án và báo cáo kết quả thẩm định.
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thành lập các đoàn công tác tiến hành khảo sát, kiểm tra hiện trường các đoạn tuyến của dự án cao tốc Bắc - Nam.
Trên cơ sở ý kiến của Ban Kinh tế Trung ương, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã tiếp thu, giải trình, bổ sung và hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Mới đây, thừa ủy quyền của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT đã trình Bộ Chính trị xem xét Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án đầu tư cao tốc Bắc - Nam trước khi trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII diễn ra vào tháng 10 tới.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông - Ảnh: Tạ Tôn |
Xem xét sửa Luật Giao thông đường bộ
Từ nay đến cuối năm, Bộ sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa Thứ trưởng?
Có 3 nhiệm vụ quan trọng sẽ được Bộ GTVT “dồn lực” thực hiện trong những tháng cuối năm, trong đó, đầu tiên vẫn phải là công tác xây dựng VBQPPL, chiến lược, quy hoạch và các đề án khác. Đặc biệt, Bộ sẽ tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Đường sắt và xây dựng các văn bản quy định chi tiết Luật Đường sắt theo kế hoạch đồng thời, nghiên cứu, đánh giá tác động để xem xét việc sửa Luật GTĐB.
Kế đó, Bộ GTVT tiếp tục tập trung cho công tác quản lý vận tải, dịch vụ hỗ trợ vận tải; bảo đảm ATGT, giảm ùn tắc giao thông. Cụ thể, Bộ sẽ tăng cường tiếp xúc doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải và phối hợp với các hiệp hội vận tải, hiệp hội nghề nghiệp, hiệp hội chủ hàng để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tổng kết công tác triển khai thí điểm “Ứng dụng KHCN hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng”; Tiếp tục thực hiện tốt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban ATGT Quốc gia, Kế hoạch hành động Năm ATGT 2017. Chủ động phối hợp với Bộ Công an và các địa phương đẩy mạnh kiểm ra tải trọng xe (KTTTX), triển khai Quy hoạch tổng thể trạm KTTTX đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương nhất là các thành phố lớn như TP. Hà Nội, TP.HCM, triển khai các giải pháp đồng bộ để khắc phục ùn tắc giao thông…
Nhiệm vụ thứ 3 hết sức quan trọng là nghiên cứu, đề xuất các giải pháp cơ chế chính sách đẩy mạnh huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển KCHTGT. Triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch năm 2017; Tổ chức lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án CHK quốc tế Long Thành; Thuê tư vấn nước ngoài khẩn trương rà soát và đề xuất phương án mở rộng CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam trình các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; lựa chọn nhà thầu triển khai lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam…
Ngoài 3 nhiệm vụ trọng tâm trên, Bộ GTVT sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu giai đoạn 2016-2020 đối với các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, vật liệu mới trong trong các lĩnh vực GTVT theo hướng làm chủ công nghệ; Triển khai hiệu quả Đề án sắp xếp lại các Ban Quản lý dự án thuộc Bộ; Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra trên tất cả các lĩnh vực công tác...
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận