Ngày 25/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công dẫn đầu đoàn công tác của Bộ, về làm việc với tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực hàng hải ở địa phương để giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong công tác quản lý, thực hiện quy hoạch phát triển cảng biển.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong những năm gần đây tốc độ phát triển kinh tế ở Thanh Hóa tăng rất cao. Chỉ tính 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 22,18%, tăng 89,4% so với cùng kỳ (mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay). Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng đột phá ước đạt 56.534 tỷ đồng, tăng 48,7% so với cùng kỳ. Lĩnh vực thương mại, vận tải, xuất khẩu cũng duy trì tốc độ tăng trưởng khá.
Ông Nguyễn Tiến Hiệu - Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa cho biết: Kinh tế tăng trưởng mạnh kéo theo nhu cầu vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển cũng tăng theo. Khối lượng hàng hóa thông qua các cảng biển ở Thanh Hóa liên tục tăng: năm 2018 là 20 triệu tấn/năm. 6 tháng đầu năm lượng hàng hóa thông qua cảng biển là 16,5 triệu tấn, bằng 172% cùng kỳ năm trước. Hàng loạt các cảng biển được đầu tư nâng cấp, cải tạo nâng khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn, tàu vận tải container. Tuy nhiên, việc này cũng kéo theo những vấn đề như: Cung ứng dịch vụ hoa tiêu, hậu cần cảng chưa theo kịp; độ sâu luồng tàu nông làm hạn chế năng lực khai thác cảng; một số cảng xây dựng sau không được dùng chung luồng chuyên dùng của nhà đầu tư trước...”.
Theo báo cáo của TEDI PORT - đơn vị được giao tư vấn quy hoạch cảng biển nhóm II Bắc Trung Bộ, trong đó có Thanh Hóa, Tính lượng hàng hóa thông qua cảng Nghi Sơn đến nay mới chỉ đạt khoảng 70% công suất thiết kế theo Quy hoạch giai đoạn đến 2020, đã được Bộ phê duyệt. Trong khi đó, vào năm 2020 sẽ có thêm 4 bến cảng nữa đi vào hoạt động, khi đó lượng hàng hóa thông qua cảng chỉ còn đạt khoảng 45% công suất thiết kế.
Ông Nguyễn Xuân Sang - Cục trưởng Cục hàng hải Việt Nam cho rằng: Nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao ở Nghi Sơn là tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nó cũng bắt đầu làm phát sinh các vấn đề trong khai thác, vận hành, nâng cấp bến cũ, cũng như đầu tư xây dựng các bến mới. Đã có rất nhiều doanh nghiệp khai thác cảng xin mở rộng mặt hàng, xin tăng công suất, tăng khả năng tiếp nhận tàu lớn giảm tải; nhà đầu tư xây dựng thêm các cầu cảng, bến cảng... Việc này vô hình chung đã làm giảm hiệu suất cảng biển, phát sinh công suất dư thừa dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh và mất an toàn hàng hải.
Có thời điểm, khu vực này là điểm đen về dịch vụ cung ứng, khiến chủ tàu, chủ hàng lo ngại. Đơn cử như vụ việc 37 tàu lai của Công ty khoáng sản Đại Dương thu giá sai thực tế. Họ lách luật thu tăng thời gian lai dắt gấp 2 - 3 lần, khiến chủ tàu bức xúc. Dù vụ việc này đã được cảng vụ hàng hải Thanh Hóa phát hiện, báo cáo UBND tỉnh, báo cáo Cục nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Ngoài ra, việc địa phương liên tục kiến nghị cho công bố luồng tàu lớn giảm tải, cho xây thêm bến khi mà hạ tầng chưa đáp ứng sẽ làm phát sinh nguy cơ mất an toàn hàng hải.
Trước vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nhấn mạnh: Cục và các vụ liên quan phải phối hợp chặt chẽ với địa phương thực hiện đúng quy hoạch hệ thống cảng biển đã được duyệt. Hạn chế cấp phép đầu tư xây dựng ồ ạt, rồi không hiệu quả lại làm lãng phí nguồn lực của xã hội. Nghi Sơn đang có lợi thế phát triển về cảng biển nhưng phải phát triển bền vững, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.
Đối với vụ việc thu giá lai dắt không đúng thực tế, Thứ trưởng Công cho rằng: Ở đây có dấu hiệu của sự trục lợi, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo lực lượng công an vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm các cá nhân vi phạm.
Đối với vấn đề nạo vét và sử dụng luồng hàng hải, Thứ trưởng Công cho biết: Nguyên tắc luồng là tài sản quốc gia, giao cho doanh nghiệp sử dụng chứ không phải giao sở hữu vùng nước. Vì vậy, các doanh nghiệp có quyền sử dụng chung luồng hàng hải, tuy nhiên Cục hàng hải và tỉnh Thanh Hóa cần phải tính toán xác định nguồn vốn doanh nghiệp đã đầu tư để đảm bảo hài hòa lợi ích các bên.
Ngoài ra, với một số luồng bị bồi lắng, Bộ sẽ chỉ đạo tiến hành nạo vét ngay, nhưng đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí nơi đổ thải trên đất liền, cũng như bổ sung quy hoạch khu vực đổ thải trên biển, bởi nếu không có nơi đổ thải thì không thể tiến hành duy tu nạo vét luồng được.
Ghi nhận sự quan tâm của lãnh đạo Bộ đối với việc quy hoạch, phát triển hệ thống cảng biển ở địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - Nguyễn Đình Xứng nhấn mạnh: Thanh Hóa xác định việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển là một trong những bước đột phá để phát triển kinh tế. Tỉnh dự định sẽ rót khoảng 4.000 tỷ đồng để GPMB đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển và hậu cần cảng. Vì thế, đề nghị Bộ tiếp tục tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận đầu tư.
Về vị trí đổ thải, người đứng đầu tỉnh Thanh Hóa đã giao cho Ban QLDA các KKT Nghi Sơn lựa chọn vị trí phù hợp, bổ sung vào quy hoạch. Còn đối với vụ việc 37 tàu lai, sẽ giao cho công an điều tra xử lý, nhưng trước mắt đề nghị các doanh nghiệp tiến hành công khai giá dịch vụ để các bên liên quan cùng theo dõi, giám sát.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận